Đó là chia sẻ của Giáo sư Huỳnh Như Phương - Giảng viên Khoa Văn Học - trong buổi giao lưu, giới thiệu sách với chủ đề “Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn” được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM vào sáng 5/11.
Đến dự buổi giao lưu có TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, nhà văn Trần Bảo Định, PGS.TS Bùi Thanh Truyền - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhà văn Trần Nhã Thụy - Giám đốc chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn... cùng giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên khoa Văn Học và học sinh chuyên Văn, Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG-HCM.
Dạy người và dạy nghề
Phát biểu mở đầu, PGS. Lê Quang Trường - Trưởng khoa Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho biết tình hình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành đứng trước nguy cơ giải thể. Tuy ngành văn học của Trường ĐH KHXH&NV không phải đối mặt với nguy cơ này, nhưng trong bối cảnh chung của việc giảng dạy khối ngành xã hội nhân văn, nhất là ngành văn, chúng ta cần thảo luận những định hướng về giảng dạy và nghiên cứu văn học hiện nay.
Tiếp lời, Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng việc dạy văn, học văn không tách rời với nhà trường. Nhà trường thế nào thì học văn, dạy văn thế ấy. Có lẽ chưa bao giờ việc học văn, và liên quan với đó là việc dạy văn, đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay.
Tác giả cuốn sách Ước vọng cho học đường đặt vấn đề: “Chưa bao giờ sách báo, tài liệu tham khảo, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo đầy nhiệt huyết như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ môn văn bị giảm sút uy tín trước mắt nhìn xã hội và bị phàn nàn nhiều trong dư luận như hiện nay”.
Theo Giáo sư Huỳnh Như Phương, việc dạy văn ở phổ thông đang có xu hướng thu hẹp, rút gọn việc dạy văn ở đại học. Ngược lại, dạy văn ở đại học lại là cách kéo dài và mở rộng dạy văn ở phổ thông.
Sách giáo khoa văn học ở phổ thông tóm tắt lịch sử văn học, các lý thuyết ngôn ngữ (phong cách học, ngữ dụng học) và lý thuyết văn học (thi pháp học, tự sự học) để vận dụng trong phân tích văn bản. Còn giáo trình đại học thì triển khai các lý thuyết và lịch sử ấy một cách mạch lạc và chi tiết.
Do đó, Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng: “Cần phân biệt học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc đại học. Ông tâm niệm dạy văn ở phổ thông là dạy người, không phải dạy nghề. Trong khi đó, dạy văn ở đại học là dạy nghề, để ra đời làm việc, sống với nghề đó bằng những lý thuyết, phương pháp”.
Chuyên gia đầu ngành về lý luận văn học tại miền Nam lưu ý việc phân biệt hai cấp học này là để thấy được tầm quan trọng của từng phương pháp tiếp cận và giảng dạy. Nhưng hoạt động đào tạo ngành văn ở bậc phổ thông và bậc đại học không những không tách rời mà còn có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau.
“Nội dung và nghệ thuật dạy văn ở phổ thông thành công sẽ tác động đến chất lượng dạy văn ở đại học. Dạy văn ở đại học, nhất là ở các trường sư phạm, được đổi mới sẽ góp phần đổi mới dạy văn ở phổ thông” - Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận định.
Sự tử tế bắt đầu từ việc học văn
Tra vấn về trách nhiệm xã hội của văn chương, Giáo sư Huỳnh Như Phương đặt vấn đề nhân loại đang đứng trước ám ảnh của nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, văn học có thể ngăn bàn tay tội ác không?
Ông cho rằng văn học dường như đang đuối sức, không thể làm ngưng máu và nước mắt của nhân loại, nhưng văn học có thể lau khô nó để con người được an ủi khi ra đi, được hy vọng mà ở lại. Văn học bất lực trong việc cải cách xã hội, nhưng có thể góp phần chấn hưng con người, từng bước sửa sang tâm hồn mình, bù đắp chỗ thiếu hụt trong con người mình.
“Đại dịch COVID-19 được kiềm chế, thật là may mắn, nếu không nó có thể dẫn đến tình trạng ‘số báo danh hóa’ con người. Ta nghe nói ‘bệnh nhân số 21’, ‘bệnh nhân số 22’ và đến một lúc ta không còn nhớ nổi con số khi nó lên đến hàng vạn... Đằng sau từng con số đó là từng thân phận con người. Văn học là lĩnh vực kiên quyết không để thân phận con người biến thành một con số, một ‘mã định danh’. Văn học là nụ cười, là nước mắt, là niềm hân hoan, là nỗi thống khổ, không có con số nào ‘mã hóa’ được điều đó” - Nhà giáo Huỳnh Như Phương nhấn mạnh.
Từ trách vụ của văn chương đối với xã hội, chuyên gia đầu ngành về lý luận văn học tại miền Nam đã đặc biệt lưu ý về cách chọn các văn bản văn học trong nhà trường phổ thông.
Giáo sư Huỳnh Như Phương nói: “Cuộc đời có cả cái đẹp lẫn cái xấu, cái thiện lẫn cái ác, ánh sáng lẫn bóng tối. Tuổi thiếu niên chưa cần nhà trường cung cấp kinh nghiệm về cái ác, cái xấu và bóng tối. Khi ra đời, cuộc sống sẽ dạy họ điều đó. Điều họ cần bây giờ là nhà trường trang bị cho họ điều thiện và cái đẹp để họ có sức mạnh ứng phó với cái ác và cái xấu”.
TS Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, chia sẻ: “Những câu nói của thầy Phương tôi nghe thấm từng câu. Các bạn học sinh phổ thông chưa yêu văn được một phần là do các thầy cô. Họ chưa thấy được giá trị của văn học mang lại cho họ, để rèn cho họ nhân cách sống. Nếu thầy cô đủ tâm đủ tầm sẽ làm được điều đó với học trò của mình, giúp họ trở thành con người tử tế nhất. Cuộc sống rất cần những điều tử tế và sự tử tế bắt đầu từ đây, từ việc học văn”.
Buổi giao lưu với Giáo sư Huỳnh Như Phương do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức nhằm giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông - Ước vọng cho học đường. Tác phẩm này tập hợp 20 bài viết của Giáo sư Huỳnh Như Phương trong suốt nhiều năm, từ góc nhìn của người làm nghề cho đến những bài viết bàn luận, phê bình về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Tác phẩm được xem là quyển sách kỷ niệm với nghề giáo của ông trước khi về hưu. Sau đó ông sẽ dành thêm thời gian cho việc viết tản văn, truyện ngắn. |
Bài, ảnh: THU HƯƠNG
Hãy là người bình luận đầu tiên