Tin tổng hợp

Cần tìm cho mình môi trường phù hợp

  • 13/08/2018
  • Ở tuổi 44, PGS.TS Phạm Văn Hùng để lại dấu son trên con đường nghiên cứu của mình bằng công trình nhằm tìm ra các loại tinh bột có chỉ số đường huyết ở mức trung bình - thấp để tạo ra sản phẩm dùng cho bệnh nhân tiểu đường và béo phì. Đối với ông, nghiên cứu là một niềm vui vì đó là hành trình tìm tòi những ý tưởng mới.

    PGS.TS Phạm Văn Hùng trong giờ giảng. ẢnhNhư Hùng

    12 lần chỉnh sửa bài báo khoa học

    * Tháng 5 vừa rồi, ông là một trong hai nhà khoa học được Bộ KH&CN trao giải thưởng chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ông chia sẻ cảm nhận của mình khi nhận giải thưởng này?

    - Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng uy tín dành cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản về tự nhiên và kỹ thuật. Đây là một giải thưởng lớn của Bộ KH&CN. Với tôi đây một niềm vui và là động lực để làm nhiều nghiên cứu tiếp theo. Hơn nữa, giải thưởng còn là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học. 

    * Nhiều người cho rằng nhà khoa học thường có rất ít thời gian dành cho gia đình và bản thân. Ông nghĩ sao về quan niệm đó?

    - Đúng là làm nghiên cứu luôn tốn rất nhiều thời gian, từ việc đưa ra ý tưởng, hướng dẫn nhóm nghiên cứu đến việc vùi đầu ở phòng thí nghiệm. Khi có kết quả nghiên cứu lại phải tổng hợp và phân tích số liệu để viết những bài báo. Mà để hoàn tất một bài báo khoa học chất lượng cũng phải tiêu tốn không ít thời gian và công sức. Do đó, phần lớn nhà khoa học, ngoài thời gian làm việc chính thức ban ngày, họ còn tranh thủ cả buổi tối hay lúc sáng sớm để tìm ý tưởng hoặc chỉnh sửa các bài báo. Đối với họ thời gian dành cho gia đình luôn quý hiếm và họ thực sự cần sự ủng hộ, cảm thông của vợ con. 

    Mỗi ngày tôi luôn cố gắng tranh thủ dành khoảng 2 - 3 tiếng sinh hoạt cùng gia đình và chơi với con. Sau đó, quay lại làm công việc của mình. Nhưng ngày cuối tuần tôi không làm việc gì hết để dành toàn bộ thời gian cho gia đình. 

    Khi làm nghiên cứu ở nước ngoài, những lúc rảnh rỗi tôi thường xem phim. Nhưng hiện nay tôi gần như không còn thời gian để xem phim nữa. Thay vào đó, tôi nghe nhạc để thư giãn. Tôi nghe nhạc theo cảm hứng với nhiều thể loại khác nhau. Khi trời trở lạnh, tôi thích nghe những bài về Hà Nội, như Nhớ mùa thu Hà Nội vì trước đây mình từng gắn bó với Hà Nội. Còn mùa hè, tôi thích những bản nhạc vui về quê hương, đặc biệt dân ca ba miền. 

    * Được biết ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường ĐH Osaka (Nhật Bản), rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản và Canada. Quá trình đó đã ảnh hưởng đến con đường nghiên cứu của ông thế nào?

    - Thực ra, quá trình làm luận án tiến sĩ ở Nhật là thời gian có ý nghĩa quyết định nhất để tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Vì đó là lúc tôi mới được tiếp cận với rất nhiều tài liệu của nước ngoài. Tôi dành khá nhiều thời gian để đọc các tạp chí khoa học chuyên ngành để có những ý tưởng nghiên cứu. Khi càng đọc tôi càng thấy những  kiến thức mình đã học trước đó thực sự quá lạc hậu. Tôi tự nhủ với mình cần phải cập nhật hơn nữa. Từ đó, niềm đam mê, sự tìm tòi, khám phá lớn dần trong tôi. 

    Khi học ở Nhật, thầy hướng dẫn luân án của tôi - GS Morita, là một người rất cần cù và chăm chỉ. Thầy làm việc bất kể ngày đêm và khi có ý tưởng mới, thầy luôn chia sẻ với sinh viên mình. Ban đầu, đối tượng nghiên cứu của tôi là lúa mì giống mới của Nhật, nhưng do khoa Nông Nghiệp của trường trồng thử nghiệm không thành công nên trong suốt 6 tháng tôi chờ nguyên liệu để nghiên cứu đều không có. Lúc đó, thầy Morita nói, thôi, làm tự do vậy. Đối với tôi, đó là sự khuyến khích để tự tìm tòi hướng nghiên cứu mới. Tôi biết, khi ấy thầy rất tin tưởng mình nên mới đồng ý như vậy. Và sau 6 tháng, tôi hoàn thành bản thảo của một bài báo khoa học. 

    Nhưng vừa đọc xong, thầy trả lại, bảo về chỉnh sửa. Và sau 12 lần chỉnh sửa dưới sự góp ý của thầy, tôi gửi bài báo đến tạp chí. Thật bất ngờ, một tuần sau, ban biên tập hồi đáp rằng họ chấp nhận đăng bài báo của tôi. Tôi hiểu rằng, kết quả đó là nhờ thầy đã rất mực ân cần và kiên nhẫn với mình. Đây là kỷ niệm sâu sắc của tôi với thầy Morita. Ở thầy, tôi học được sự nghiêm cẩn, tận tụy và luôn khích lệ học trò mình sáng tạo. 

    Đến bây giờ, tôi vẫn mãi nhớ khi lần đầu bước chân sang Nhật, đến sân bay Kansai, tôi bị trục trặc giấy tờ. Tôi đâu biết rằng thầy Morita đã ngồi đó suốt 4 tiếng đồng hồ để đón mình. Lúc gặp được thầy, thầy chỉ nói: “Tôi đã đi trước đấy gần 4 tiếng để đợi cậu”. Tôi và thầy chưa gặp nhau bao giờ, trước đó chỉ là những trao đổi qua email. Vậy mà thầy đã ra tận sân bay để đợi cậu học trò của mình lâu đến thế. Đáng tiếc thay, khi tôi nghe tin mình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu thì cũng là lúc thầy mất ở bên ấy. Tôi vẫn chưa kịp “khoe” với thầy niềm vui này.

    Tôi muốn làm việc cho nước mình

    * Chia sẻ với một tờ báo, ông cho rằng Nhà nước cần giảm các thủ tục về cấp và thanh toán kinh phí để các nhà khoa học được tập trung hơn vào công việc của họ. Chắc ông từng gặp những khó khăn về vấn đề này?

    - Có lẽ không riêng tôi mà rất nhiều người đều gặp phải vấn đề về thanh quyết toán đề tài. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Thông tư 55 để khoán chi một phần và tăng tính tự chủ của các thành viên thực hiện đề tài. Tuy nhiên, phần thủ tục thanh quyết toán về hóa chất, thiết bị nghiên cứu vẫn phải theo quy chế trước đó. Do vậy, nó vẫn còn gây nhiều rất khó khăn trong quá trình làm đề tài. 

    Ở Nhật, mình cần mua một loại hóa chất nào thì trường luôn có một nhà cung cấp loại hóa chất ấy mà không cần có hóa đơn đỏ hay thủ tục gì hết. Nhưng khi về Việt Nam, mua cái gì cũng cần phải hóa đơn. Do đó, nếu chúng ta chuyển sang mô hình quỹ, các vấn đề về xét duyệt đề tài, kinh phí thực hiện sẽ được công khai. Việc đánh giá, nghiệm thu sẽ minh bạch và nhanh chóng hơn. 

    Hiện nay, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) - mô hình quỹ đầu tiên của Việt Nam đã góp phần khắc phục những hạn chế trên. Các thủ tục về tiếp nhận, đánh giá, xét chọn, công bố, nghiệm thu, thanh lý đề tài đều minh bạch và thuận tiện. 

    * Khi về nước, hẳn nhiên, ông hiểu rõ những thách thức mà mình phải đối mặt. Điều này có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của ông? 

    - Mong muốn về nước làm việc của tôi là có thật. Tôi muốn làm việc cho đất nước, muốn được góp sức để xây dựng nền học thuật nước nhà. Khi về Việt Nam, tôi cũng trăn trở rất nhiều thứ. Câu hỏi đầu tiên của các nhà khoa học bao giờ cũng là làm thế nào để sống? Sau đó, là làm thế nào để có đề tài nghiên cứu và các tài trợ nghiên cứu. Ban đầu tôi gặp khó khăn ở cả hai vấn đề này. Nhưng sau khi về Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, tôi không còn lo lắng nhiều về những vấn đề ấy nữa.

    Tôi cho rằng, mỗi người muốn phát triển được thì phải tìm thấy cho mình một môi trường phù hợp. Nếu một người giỏi về Việt Nam, họ không có môi trường thì cũng không phát huy được. Và nếu một người không giỏi, dù có ở lại cũng khó làm được việc gì. Khi chuyển đổi môi trường nghiên cứu và lựa chọn về nước thì có khó khăn hơn. Về Việt Nam ắt phải theo cái guồng của Việt Nam, nó vẫn là lương theo quy định, và nhiều người không nhìn thấy được tương lai của mình sẽ như thế nào. Do đó, chúng ta cần có cơ chế thông thoáng và hiệu quả hơn để thu hút nhân tài.

    * Dự định sắp tới của ông là gì?

    - Sắp tới, tôi mong sẽ phát triển nhóm nghiên cứu của mình hơn nữa để trở thành một trong những nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG-HCM theo hướng dinh dưỡng thực phẩm. Kế đến là hy vọng những kết quả nghiên cứu của nhóm sẽ có khả năng ứng dụng, tạo ra các sản phẩm thực tế và được các doanh nghiệp hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm. 

    * Ông có gợi ý gì cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học hiện nay?

    - Nếu đã có sự yêu thích và niềm đam mê nghiên cứu, các bạn cần cố gắng tìm tòi. Thứ nhất là tìm đọc tài liệu, sách báo khoa học để nâng cao trình độ của mình. Thứ hai, phải tìm được người thầy để hướng dẫn, trao đổi đề tài và tham gia các nhóm nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Thứ ba, các bạn phải xác định rõ hướng đi cho riêng mình. Thiếu ba điều trên, các bạn sẽ khó theo đuổi và tiến xa trên con đường nghiên cứu khoa học mai sau.

     

      40 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI

        PGS.TS Phạm Văn Hùng tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG Hà Nội khóa 1993-1998. Năm 2002 ông làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ tại Nhật Bản và Canada.

        Năm 2009, ông về nước, công tác tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, sau đó làm Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm và được phong phó giáo sư năm 2014.

        PGS.TS Phạm Văn Hùng là tác giả chính của 40 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và 30 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế khác. Ông từng hướng dẫn 10 học viên cao học và hiện hướng dẫn ba nghiên cứu sinh, đều theo hướng nghiên cứu tinh bột kháng tiêu hóa.

    PHIÊN AN 

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên