Với điểm số 1.063/1.200, anh chàng quê ở Đồng Tháp Nguyễn Trường Thịnh đã trở thành thủ khoa đầu vào kỳ thi Đánh giá năng lực 2020 của Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM, ngành Khoa học Dữ liệu ở tuổi 27. Trước đó 4 năm, anh từng tốt nghiệp ngành Dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Sau khi nhận được kết quả, tân thủ khoa Nguyễn Trường Thịnh trở thành một trong bốn sinh viên được vinh danh và là gương mặt đại diện phát biểu tại Lễ Khai giảng Trường ĐH Công nghệ Thông tin.
Xin nghỉ việc, giấu gia đình đi thi
9 năm trước, khi bước vào tuổi 18, Nguyễn Trường Thịnh có nguyện vọng vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để học về toán - tin, nhưng theo định hướng của gia đình, Thịnh đã thi đậu ngành Dược của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Sau 5 năm học tập dưới mái trường danh giá ấy và 4 năm trau dồi kinh nghiệm về nghề, Thịnh cho rằng mình cần phải tìm một làn gió mới. Tạm gác công việc của một kiểm nghiệm viên tại Viện kiểm nghiệm thuốc ở TP.HCM, Thịnh quyết định nộp hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia 2020, chọn học một ngành anh cho rằng không mấy liên quan với những gì từng học trước đó. “Nếu không phải lúc này, thì sẽ không phải là lúc nào khác” - Thịnh bày tỏ suy nghĩ về lựa chọn của mình.
Công việc làm thêm của Thịnh hiện nay là dạy kèm khối A cho các sĩ tử. Vừa dạy, Thịnh vừa tranh thủ ôn tập kiến thức và làm quen với dạng đề thi từng năm, nên anh không quá bất ngờ trước kết quả của mình: 27,15 điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia và 1.063/1.200 ở kỳ thi Đánh giá năng lực. Thịnh chia sẻ: “Điều làm tôi vui mừng ở đây chính là vị trí thủ khoa đầu vào, chứng tỏ rằng tôi đã chuẩn bị đủ cho mình một bệ phóng mới”.
Tuy nhiên, lựa chọn bỏ ngang công việc ổn định để trở thành “tân sinh viên lần 2” ở tuổi 27 đối với Thịnh không phải dễ dàng. Cũng như bao chàng trai khác, rất nhiều lần gia đình “giục cưới” và mong anh sớm ổn định cuộc sống ở thành phố. Thịnh tâm sự: “Nếu tôi thuận theo những ‘cột mốc được lập trình’ của xã hội - đến tuổi phải lấy vợ sinh con - có lẽ tôi sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và sống không hạnh phúc. Thay vào đó, tôi muốn được theo đuổi việc học và khám phá vùng đất mình đã từng bỏ lỡ”. Biết đây là cú sốc lớn với người thân và để tránh bị ảnh hưởng tâm lý trước kỳ thi, Thịnh đã giấu bố mẹ, tự mình ôn thi và lo mọi thủ tục nhập học, ăn ở, bắt đầu lại cuộc sống sinh viên, chờ thời điểm thích hợp để thưa chuyện với gia đình. Quyết định “tiền trảm hậu tấu” này tuy rất liều lĩnh, nhưng với Thịnh đó là lựa chọn “an toàn” nhất để anh bước vào cánh cửa đại học một lần nữa.
Việc học là chuyện của cả đời
Nhớ về 5 năm thanh xuân ở trường y, Nguyễn Trường Thịnh vẫn cho đó là khoảng thời gian đáng nhớ của mình. Thịnh được tôi luyện tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc của mình qua môn học Y đức và Dược đức. Anh quan niệm sự học không bao giờ kết thúc trên trang giấy hay ở một tấm bằng tốt nghiệp mà là chuyện của cả đời: “Con người luôn có nhu cầu làm mới mình khi bất giác thấy mình chững lại. Thời gian công tác ở viện kiểm nghiệm đủ lâu để tôi biết việc bỏ hết tất cả lại đằng sau để yêu thêm một cái mới là phù hợp”.
Chia sẻ lý do chọn học về IT, anh tin rằng trong tương lai chắc chắn IT sẽ được ứng dụng ở mọi lĩnh vực của đời sống. Sẵn có niềm đam mê với toán - tin từ trước, cùng khát khao luôn muốn đổi mới, Thịnh quyết định chọn học ngành Khoa học Dữ liệu. Anh sẽ tìm một nhánh liên quan giữa hai ngành y và công nghệ thông tin để nghiên cứu lâu dài, chẳng hạn hệ thống khoa học ứng dụng trong y khoa. Thịnh mong muốn sẽ sáng chế những sản phẩm có tính ứng dụng cao cho Việt Nam. “Kiến thức dù học ở trường y hay trường công nghệ đều là hành trang quý giá của tôi”, Thịnh nói.
Đứng trước ngưỡng cửa đại học một lần nữa, Trường Thịnh cũng có nỗi lo riêng vì sợ mình không bắt kịp với các bạn sinh viên khác. “Các bạn trẻ bây giờ cập nhật thông tin rất nhanh, đầu óc cũng nhanh nhẹn hơn một người đã gần 30 tuổi” - Thịnh vui vẻ nói. Trước mắt, anh sẽ dành thời gian “toàn tâm toàn ý” cho việc học ở trường, chuyển nơi ở từ quận 8 về ký túc xá ĐHQG-HCM để tiện đi lại và bắt nhịp cuộc sống mới như tuổi 18 thứ hai của đời mình.
Người con vùng đất Sen Hồng này quan niệm rằng đam mê rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng nỗ lực và thái độ. “Nếu bản thân đủ yêu một cái gì đó, người ta sẽ nguyện dành tâm huyết để theo đuổi đến cùng” - Thịnh nhấn mạnh.
HOÀNG AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 203)
Hãy là người bình luận đầu tiên