Ngày 22/3, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) ký thỏa thuận với một đơn vị đèn chiếu sáng để đưa con chip đầu tiên của Việt Nam - do trung tâm chế tạo - vào sản xuất đèn giao thông, hệ thống điều khiển đèn đường…
Con chip được ứng dụng vào các thiết bị chiếu sáng là SG8V1. Hiện, chip này được dùng nhiều trong các sản phẩm như thiết bị giám sát hành trình ôtô, xe máy, điện kế điện tử, thiết bị thu thập dữ liệu...
Theo các chuyên gia trong ngành vi điện tử, với việc tiêu thụ khoảng 20 tỷ con chip các loại một năm, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các ứng dụng và sản phẩm bán dẫn. Tuy xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực này nhưng các sản phẩm sử dụng vi mạch Việt trong nước vẫn rất hạn chế.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC (ĐHQG-HCM) cho biết, hiện các doanh nghiệp vi điện tử ở Việt Nam phần nhiều sử dụng chip Trung Quốc có giá rẻ, lại nhiều trên thị trường. Trong khi đó chip Việt thuộc hàng tốt trên thế giới nhưng không được tin tưởng nên việc thương mại hóa gặp khó khăn.
“Việc xuất hiện chip Việt với nền tảng tốt, giá cạnh tranh vẫn đấu không lại chip Trung Quốc. Ngoài một số đơn vị đã sử dụng biết hiệu quả của chip Việt nhưng đa phần hoài nghi về chất lượng nên sử dụng chip ngoại. Tôi khẳng định là chip Việt thiết kế thuộc loại hàng đầu thế giới”, ông Hoàng nói.
Tiến sĩ Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM - cho biết, thành phố đã triển khai chương trình đầu cuối để phát triển các sản phẩm vi mạch. Một hệ sinh thái đang dần hình thành, sản phẩm vi mạch sau khi được thiết kế sẽ được ứng dụng và tiêu thụ. Ông Hỷ rất mong đại diện Bộ Công thương phối hợp cùng TP HCM để vi mạch Việt được ứng dụng nhiều hơn.
“Làm sao sản phẩm công nghệ Việt có thể đi vào thị trường Việt, có nhiều ưu tiên cho sản phẩm Việt nên rất mong Bộ Công thương gỡ khó”, ông Hỷ nói.
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, việc một doanh nghiệp Việt vốn xưa nay sử dụng công nghệ nước ngoài phối hợp sử dụng chip do chính người Việt thiết kế là thay đổi lớn. Đây là bước tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp vi điện tử sử dụng chính các thiết kế do kỹ sư trong nước thực hiện.
Nguồn: Duy Trần (Vnexpress.net)
Hãy là người bình luận đầu tiên