“Chốt bảo vệ” là dự án chốt canh gác cơ động ở ngã tư đường Trục Chính 2 và Trục Chính 7 (nay là đường Lê Quý Đôn và Nguyễn Du) tại Khu Đô thị ĐHQG-HCM. Chốt bảo vệ này có nhà vệ sinh, bể 900 lít trữ nước mưa, pin năng lượng tiết kiệm điện, trồng cây đuổi muỗi.
Dự án này của sinh viên Ngô Triệu Nhân (Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM) được đánh giá cao ở lợi ích cải thiện tiện nghi, môi trường làm việc, thẩm mỹ đô thị, thân thiện môi trường, tính biểu tượng, có thể nhân rộng. Dự án vừa giành giải Nhất “Giải thưởng Xây dựng Bền vững - Insee Prize 2019” ngày 5/4.
Từ những lần khảo sát
Mỗi ngày đi học qua ngã tư đường Trục Chính 2 và Trục Chính 7 Khu Đô thị ĐHQG-HCM, Triệu Nhân thấy chốt bảo vệ tại đây còn quá sơ sài. Rồi Triệu Nhân khảo sát thêm các chốt bảo vệ trên địa bàn thành phố và thấy tất cả đều chung một tình trạng.
Triệu Nhân chia sẻ: “Hầu hết các chốt bảo vệ hiện nay đều thiếu thứ thiết yếu cho nhân viên trực gác là nhà vệ sinh. Không gian nghỉ ngơi cũng tệ: buổi trưa và xế chiều thì nóng bức, buổi tối lại rất nhiều muỗi. Do đó mình đã nảy ra ý tưởng thiết kế chốt bảo vệ ‘thông minh hơn’”.
Triệu Nhân cho biết phải mất hơn một tháng để vừa khảo sát, đo đạc vừa hình thành bản vẽ. “Có hai khó khăn trong thiết kế này. Thứ nhất dự án chỉ mỗi mình thực hiện nên mọi thứ phải tự chuẩn bị, sắp xếp. Thứ hai, trong thời gian tham gia cuộc thi mình vẫn phải đảm bảo giờ học trên lớp” - Triệu Nhân cho biết.
Theo yêu cầu của cuộc thi, mỗi dự án phải đáp ứng được 4 tiêu chí: đóng góp xã hội, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế, ứng dụng thực tế. Vì thế Triệu Nhân phải chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án Chốt bảo vệ thông minh trong một tháng. Chưa kể đến khoản thời gian Nhân thay đổi một số hạng mục cho phù hợp với thực tế.
Triệu Nhân tâm sự: “Có ý tưởng tốt, giàu tính nhân văn thôi chưa đủ. Dự án còn đòi hỏi có tính khả thi cao, đáp ứng các yếu tố phát triển bền vững. Ở cuộc thi này, dự án xuất sắc nhất sẽ được đầu tư 200 triệu đồng để triển khai nên mình phải tính toán rất kỹ lưỡng để cho ra một ‘sản phẩm’ hợp lý”.
Tính khả thi cao
Triệu Nhân cho biết: “Chốt bảo vệ thông minh có diện tích 4m2 nhưng phải đáp ứng được các nhu cầu nghỉ ngơi, vệ sinh của nhân viên. Vì thế mình thiết kế bàn làm việc có thể gấp lại để không gian được rộng hơn. Trong chốt bảo vệ cần có nhà vệ sinh riêng vì nhân viên không thể rời nơi làm việc của họ. Ở hạng mục này mình sử dụng tường cong để tiết kiệm không gian. Phía trên mái chốt bảo vệ mình bố trí bể nước 900 lít để tận dụng nguồn nước mưa đồng thời tạo sự cách nhiệt cho không gian bên trong. Mình cũng lắp thêm tấm pin năng lượng mặt trời 85W để tiết kiệm điện”.
Ngoài những nét độc đáo trong xây dựng, theo Triệu Nhân, chốt bảo vệ thông minh còn có nhiều ưu điểm khác như thông gió tự nhiên, chung quanh trồng cây bạc hà, hương thảo, húng quế để đuổi muỗi. Khi tưới nước cho cây, không gian bên trong cũng trở nên dịu mát.
“Chốt bảo vệ thông minh là một món quà thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn của mình đối với các nhân viên bảo vệ. Mình mong muốn góp phần cải thiện môi trường làm việc cho họ, để từ đó họ có thể an tâm, thoải mái hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Triệu Nhân nhấn mạnh.
Theo TS.KTS Lê Thị Hồng Na (Khoa Kiến trúc Xây dựng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM) đây là một dự án thiết kế sáng tạo và có tính khả thi cao.
“Phương án thiết kế chốt bảo vệ được hình thành từ đơn đặt hàng của Trung tâm Quản lý và Phát triển Đô thị ĐHQG-HCM trong chương trình phát triển khu đô thị xanh, bền vững và thông minh. Điều đó cho thấy, ý tưởng này thực sự khả thi và mang tính cấp thiết. Trong bối cảnh các chốt bảo vệ hiện hữu chưa thực sự hợp lý và tiện nghi, em Ngô Triệu Nhân đã đề xuất một phương án mới với sự tích hợp những giải pháp chi tiết để tạo nên một tổng thể vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhân viên bảo vệ, vừa chú trọng nâng cao sức khỏe con người cũng như góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện hiệu quả thẩm mỹ đô thị. Điều ý nghĩa nhất là em Ngô Triệu Nhân đã thiết kế được một sản phẩm theo hướng bền vững để đóng góp thiết thực cho chính khu đô thị mà mình đang theo học” - TS.KTS Lê Thị Hồng Na nhận xét.
Công trình Chốt bảo vệ thông minh đã được đầu tư 200 triệu đồng để triển khai thi công trong thời gian tới.
ĐỨC LỘC (Bản tin ĐHQG-HCM số 194)
Hãy là người bình luận đầu tiên