Khoa học công nghệ

Chuyển giao công nghệ và bằng cấp sáng chế: Vẫn trên đường xa

  • 09/06/2021
  • Sở hữu trí tuệ là tác nhân quan trọng để tạo động lực cho sự đổi mới của mỗi quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và thu hút các nguồn đầu tư về hoạt động khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để nhà khoa học thực hiện sở hữu trí tuệ cũng như thương mại hóa sản phẩm sau khi cấp sáng chế vẫn là vấn đề còn nhiều bất cập ở nước ta.

    Từ góc độ của một nhà khoa học, từng có nhiều sản phẩm thương mại thành công trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, GS Võ Văn Tới đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bản tin ĐHQG-HCM xoay quanh chủ đề trên.

    Chính sách hỗ trợ và luật sư tư vấn: 2 yếu tố then chốt

    * Thưa ông, là nhà khoa học từng làm việc ở môi trường nghiên cứu năng động của nhiều nước trên thế giới, xin ông cho biết việc đăng ký sáng chế, bảo hộ trí tuệ  đối với nghiên cứu của các nhà khoa học ở những quốc gia này như thế nào?

    - Tôi từng có thời gian học tập và làm việc tại Thụy Sĩ và Mỹ. Ở Thụy Sĩ hoạt động này cũng không rầm rộ lắm, bên Mỹ thì tốt hơn. Theo quan sát của tôi, các nhà khoa học tại những quốc gia này luôn ý thức cao trong vấn đề bảo hộ trí tuệ. Ngoài ra chính phủ của họ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích họ đăng ký bảo hộ trí tuệ. Chẳng hạn chính phủ Mỹ có chính sách dành cho các nhà nghiên cứu trên 65 tuổi được giảm lệ phí, ưu tiên xét nhanh hơn hay chương trình SBIR (Small Business Innovation Research) và STTR (Small Business Technology Transfer). Đây là những chương trình mà hầu như những cơ quan chính phủ liên bang nào cũng có. SBIR là chương trình khuyến khích các nhà khoa học kỹ thuật tự mở công ty khởi nghiệp (start-up), chính phủ sẽ cấp một khoản kinh phí để họ phát triển sản phẩm có thể thương mại hóa được. STTR tài trợ các giảng viên đại học cộng tác với các công ty vừa và nhỏ để phát triển sản phẩm có thể thương mại hóa được. Mặc dù các chương trình này không đề cập vấn đề bảo hộ trí tuệ nhưng nó gián tiếp khuyến khích nhà khoa học khi có ý tưởng sẽ tự phải bảo hộ sản phẩm trí tuệ của mình.

    Riêng trải nghiệm của cá nhân, khoảng 20 năm trước, khi làm việc tại Mỹ tôi từng được chương trình SBIR của cơ quan chính phủ - National Eye Institute - cấp 100.000 USD để làm ra sản phẩm. Trong quá trình làm họ không đòi hỏi phải có bằng sáng chế nhưng tự động mình sẽ phải làm để bảo vệ quyền lợi của mình. Muốn làm việc này, tôi tìm đến các chuyên gia hoặc luật sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ. Họ rất am tường thị trường. Họ tư vấn tôi để lột tả được điểm mới và cách bảo vệ nó. Sau đó họ sẽ viết, nộp đơn và theo dõi tiến độ. Nếu người xem xét hồ sơ của tôi có phản biện hoặc yêu cầu làm rõ những khía cạnh nào đó, luật sư sẽ cùng thảo luận với tôi giải pháp trước khi họ trả lời. Nếu tôi được cấp bằng sáng chế họ sẽ theo dõi trong suốt thời gian được bảo vệ để giúp tôi trả lệ phí bảo tồn nó cũng như sẵn sàng bảo vệ tôi khi có người xâm phạm quyền lợi hay hỗ trợ tôi khi có người quan tâm muốn thương mại hóa nó. Họ làm việc rất chuyên nghiệp và tận tâm nên các ý tưởng của tôi đều được cấp bằng sáng chế.

    * Tiêu chí để chính phủ các nước này cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu làm ra sản phẩm có thể thương mại hóa là gì, thưa ông?

    - Các chương trình SBIR và STTR có 3 pha: pha đầu họ tài trợ cho nhà nghiên cứu để phát triển ý tưởng thành sản phẩm mẫu thử nghiệm, pha hai họ tài trợ để tái thiết kế thành sản phẩm công nghiệp và pha cuối họ không tài trợ nhưng kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành. Để đánh giá những đề xuất, mỗi cơ quan liên hệ thành lập hội đồng và có những tiêu chí riêng biệt nhưng rõ ràng. Tiêu chí đánh giá quan trọng là ý tưởng có khả thi không và sản phẩm tương lai có đáp ứng nhu cầu thực tế không. Nếu sau pha đầu nhà nghiên cứu không làm ra sản phẩm như đã hứa thì họ cũng không đòi tiền lại nhưng dĩ nhiên họ sẽ khó khăn hơn trong việc xét duyệt các đề xuất trong tương lai của nhà nghiên cứu đó.

    Thời gian còn theo học ở Thụy Sĩ, sau khi làm ra sản phẩm mẫu từ một ý tưởng mới và thử nghiệm thành công, tôi báo cáo với thầy hướng dẫn của mình, thầy dẫn đến gặp luật sư làm thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, rồi cử kỹ thuật viên hỗ trợ tôi tái thiết kế ra thành sản phẩm công nghiệp, tìm công ty để sản xuất và đưa nó ra thị trường. Lúc đó vì là sinh viên nên tôi không hiểu rõ chính sách chung ra sao nên không trình bày ở đây. Ở Mỹ, các trường đại học có những chính sách khác nhau. Ở trường tôi làm việc, nếu họ không quan tâm đến kết quả của mình họ sẽ cho phép mình tự do làm gì thì làm với nó. Ngược lại, họ cấp kinh phí để làm thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chế tạo sản xuất, thương mại hóa và phân chia lợi nhuận rõ ràng. Thông thường nhà nghiên cứu và phòng lab của người này được hưởng lợi nhuận lớn nhất.

    Sau cùng phải là thương mại hóa được sản phẩm

    * Thưa ông, có ý kiến cho rằng, số lượng bằng sáng chế của các nhà khoa học ở Việt Nam còn thấp là do năng lực nghiên cứu chưa tốt. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

     - Tôi không đồng ý với ý kiến này. Nhà khoa học có nhiều sáng chế hay không không phản ánh được năng lực nghiên cứu của họ. Mặt khác, sở dĩ nước ta ít sáng chế là do cơ chế khuyến khích nhà khoa học về việc này còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, quy trình cấp sáng chế ở ta đối với các nhà khoa học còn khá xa lạ và mất nhiều thời gian. Khi nhà nghiên cứu nộp đơn để xét cấp sáng chế, thông thường họ không biết lột tả tính mới, đặc sắc của nó và không biết xin bảo hộ những gì; họ mô tả hoặc quá đơn giản hoặc quá cường điệu và mất khoảng ba tháng sau họ mới nhận được phản hồi là bên xét đã nhận được đơn; sau đó mất tiếp khoảng 2-3 năm mới biết được ý tưởng hoặc sản phẩm nghiên cứu của mình có được cấp sáng chế hay không. Nếu không được cấp thì cũng không biết lí giải ra sao. Điều chắc chắn là họ không được gì cả. Trong khi đó, một số tài trợ yêu cầu nhà khoa học viết bài báo về kết quả nghiên cứu rồi đăng trên các tạp chí uy tín để chứng minh năng lực nghiên cứu của mình càng sớm càng tốt. Như vậy đăng bài báo sẽ nhanh và đáp ứng hơn rất nhiều so với làm sáng chế – không những mất nhiều thời gian, tiền bạc mà còn chưa biết kết quả ra sao. Do đó, các nhà khoa học nước ta thường có xu hướng công bố bài báo hơn là xin cấp bằng sáng chế. Thứ 2, chúng ta không có đội ngũ luật sư giỏi, tư vấn chuyên nghiệp từ quá trình xin bằng sáng chế đến chuyển giao công nghệ. Và thứ ba, nhiều doanh nghiệp, công ty ở ta hầu như không quan tâm đến bằng sáng chế hay thiết bị chế tạo từ đại học.

    Tôi cho rằng số lượng sáng chế nhiều hay ít tùy thuộc nhiều yếu tố và thực sự không phải là vấn đề tối quan trọng. Vì làm ra nhiều sáng chế mà không cái nào thực thi hóa được thì cũng chẳng để làm gì. Một điểm cần lưu ý là không phải những gì được cấp bằng đều có thể thương mại hóa được và thành công trên thương trường. Do vậy, nếu các nhà lãnh đạo muốn đất nước mình có nhiều bằng sáng chế thì phải tạo ra cơ chế thông thoáng, dễ dàng và hữu hiệu như các nhà xuất bản tạp chí đã tạo ra cơ chế của họ để có nhiều bài báo. Trong khi đó, nếu muốn có bằng sáng chế mà sản phẩm có thể chuyển giao công nghệ và thương mại hóa được thì nên có cơ chế tương tự như SBIR hay STTR nêu trên. Bằng sáng chế sẽ là hệ quả tất yếu.

    Trong khi chờ đợi, tôi xin đề xuất một mô hình hàn lâm ta có thể thử nghiệm ngay là tạo ra một hệ thống xuyên suốt trong cơ sở gồm có nhóm nghiên cứu lý thuyết, nhóm kỹ thuật, và nhóm pháp chế - kinh doanh. Họ có quyền quyết định, khả năng, sẵn tiền và tương tác với nhau tốt. Nhóm nghiên cứu khoa học đưa ra yêu cầu về một thiết bị chưa từng có trên thị trường để thử nghiệm một ý tưởng khoa học đột phá. Nhóm kỹ thuật thực hiện sản phẩm mẫu để nhóm này thử nghiệm. Nếu kết quả khoa học tốt, nhóm pháp chế - kinh doanh sẽ nghiên cứu thị trường cho thiết bị này. Nếu kết quả tốt, nhóm sẽ lo các thủ tục pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ hay huy động nguồn vốn để thành lập công ty khởi nghiệp, chế tạo sản phẩm, xác định giá bán và đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng lúc, nhóm kỹ thuật sẽ lo việc tái thiết kế và tìm cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm với giá thành hợp lý. Có như thế một ý tưởng khoa học đột phá mới có thể trở thành sản phẩm ngoài thị trường một cách nhanh chóng và bằng sở hữu trí tuệ mới thực sự có hiệu quả kinh tế.

    * Theo ông, việc chuyển giao nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước hiện nay đang gặp phải những khó khăn gì?

    - Có lẽ khó khăn lớn nhất khi mời gọi doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trong hàn lâm là vấn đề cơ chế. Thông thường các nhà nghiên cứu được tài trợ bởi các cơ quan nhà nước. Mặc dù đường lối là khuyến khích đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường, kết hợp hàn lâm và doanh nghiệp… nhưng những luật lệ và nghị định thường làm mọi chuyện rất khó khăn nếu không muốn nói là tắc nghẽn. Quan trọng hơn, sản phẩm nước ngoài đã có nhãn hiệu nên bán dễ hơn trong khi sản phẩm nội địa chưa có tên tuổi gì. Ngoài ra, việc mua đi bán lại thiết bị đang dễ dàng và mang lại nhiều lợi nhuận. Do đó việc kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp gần như bất khả. Giải pháp khả thi có lẽ là các nhà khoa học nên hợp tác với doanh nghiệp tư nhân ngay từ đầu để hiểu rõ nhu cầu của họ.

    * Không biết ông có câu chuyện hay tâm tư nguyện vọng gì ông muốn chia sẻ về vấn đề này không?

    - Để minh họa những gì chúng ta đã trao đổi bên trên, tôi muốn kể một câu chuyện bằng hình dưới đây.

     

    Hồi xưa, khi còn là sinh viên bên Thụy Sĩ, tôi có sáng chế một thiết bị để nghiên cứu về mắt. Hình trên bên trái là sản phẩm mẫu do tôi tự tay làm ra từ mạch điện tử, bộ phận cơ khí, cơ chế vận hành đến bộ phận quang học cùng những gì có sẵn trong phòng lab. Hình bên phải là sản phẩm được công nghiệp hóa và đưa ra thị trường. Tất cả trong vòng 4 năm.

     

    Năm 2010, khi đang là Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh - Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, tôi cùng các cộng sự thiết kế một thiết bị để đo huyết áp và nhịp tim, và một hệ thống y tế viễn thông. Hình bên trái là sản phẩm mẫu. Hình bên phải là sản phẩm công nghiệp chúng tôi đã thiết kế và sản xuất hàng loạt với sự tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Bình Dương. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh đã thử nghiệm lâm sàng thành công với các thiết bị này trong hệ thống của họ. Thiết bị này đã được một công ty tư nhân quan tâm muốn sản xuất và thương mại hóa nhưng câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ.

     

    Gần đây, một công ty tư nhân công nghệ sinh học đặt hàng cho tôi để giải quyết vấn đề chuẩn bị mẫu sinh học trước khi ly trích DNA, RNA, protein. Thay vì phải nghiền mẫu bằng tay như hiện tại vừa mất thì giờ vừa khó chuẩn hóa (hình trái), tôi đã hướng dẫn sinh viên thiết kế một thiết bị tư động nghiền nhiều mẫu cùng một lúc (hình phải) bằng tiền riêng. Với vai trò là đơn vị hỗ trợ các hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM đã hỗ trợ đăng ký bằng sáng chế và tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa công ty khởi nghiệp của cựu sinh viên Kỹ thuật Y Sinh với công ty này.

     

    PHIÊN AN thực hiện

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên