Đó là chủ đề của hội thảo khoa học do ĐHQG-HCM phối hợp UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 7/4, trước bối cảnh Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã đến dự.
Hiện diện tại hội thảo còn có ông Phan Văn Mãi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; và các chuyên gia, nhà khoa học.
TP.HCM cần chính sách đặc thù, vượt trội
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết cơ sở chính trị quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCHTW khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng đối với việc hoàn thiện thể chế về quản lý và sử dụng đất, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Theo ông, Nghị quyết đặt ra 3 yêu cầu lớn đối với việc sửa đổi Luật Đất đai 2013: Nâng cao vai trò của thị trường đối với quản lý và sử dụng đất; Nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; Đảm bảo hài hòa trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM, nhận xét Luật Đất đai 2013 đã giúp hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội trong quá trình áp dụng Luật Đất đai 2013 đã cho thấy những điểm không còn phù hợp của pháp luật đất đai so với thực tiễn, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các vấn đề khác.
“Do đó, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự điều chỉnh các quy định trong Luật Đất đai để gỡ bỏ các vướng mắc pháp lý, đồng thời giúp phát huy các nguồn lực từ đất đai. Ngoài ra, việc xem xét và sửa đổi các quy định của Luật Đất đai cũng cần được chú trọng để khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định xã hội và tạo động lực cho thị trường bất động sản, trong đó có thị trường đất đai, trở thành kênh phân bổ và khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả” - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu.
Theo đánh giá, công tác quản lý đô thị và sử dụng đất đai tại TP.HCM thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những bất cập dẫn đến tình trạng tài nguyên đất chưa sử dụng hiệu quả như mong đợi. Mới đây, ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định công tác quản lý đô thị, sử dụng đất đai ở TP.HCM còn nhiều hạn chế và yêu cầu chính quyền TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội để quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai, nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Đề xuất thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại TP.HCM
Trước thực tiễn trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND cùng các sở, ban, ngành của TP mong muốn được lắng nghe góp ý từ hội thảo, từ đó giúp cho TP nhận diện đúng vấn đề, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để TP phát triển nhanh và bền vững. Hội thảo nhận được nhiều bài viết từ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học của các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu.
Báo cáo tham luận tại hội thảo, ThS.NCS Trương Trọng Hiếu (Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM) nêu ra các kiến nghị chính sách đột phá cho TP.HCM được gợi mở từ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, ông đề xuất lựa chọn TP.HCM là địa phương thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ông đánh giá việc xây dựng và hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung rất quan trọng, song cũng là thách thức trong nhiều năm qua.
Ông Hiếu cho biết thị trường bất động sản ở nước ta hoạt động chưa thật sự chính quy. Ngoài ra, pháp luật đến nay chưa có định chế và cơ chế để truy nhận thông tin về giá đất trên thị trường, ngoại trừ dữ liệu về giá giao dịch mà cơ quan thuế đang quản lý. Đây là hai lý do tạo nên điểm nghẽn ở khâu hình thành dữ liệu về giá đất. Một số biện pháp được kiến nghị như: đưa ra quy định và cả chế tài để buộc các bên có liên quan cung cấp thông tin về đất đai, đặc biệt là giá đất của các giao dịch; quy định trách nhiệm của các đơn vị, bao gồm cơ quan thuế và tổ chức kinh doanh bất động sản xuất thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu quốc gia; phân bổ ngân sách và tài chính phù hợp để xúc tiến và triển khai các hoạt động này…
Hội thảo cũng lắng nghe 3 tham luận khác từ đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Các góp ý tại hội thảo cùng kết quả nghiên cứu sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, chắt lọc thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan chức năng của Trung ương và TP.HCM, nhằm đóng góp cho quá trình hoàn thiện và triển khai chính sách về đất đai và cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
LÊ HOÀI - THIỆN THÔNG
Hãy là người bình luận đầu tiên