Với người bắt đầu học tiếng Anh, kỹ năng nói (speaking) được xem là một trong những kỹ năng “khó chiều” nhất. Lấy cảm hứng từ ứng dụng hẹn hò Tinder, IELTS TINDER ra đời nhằm đánh trọng tâm vào kỹ năng nói. Ứng dụng giúp người dùng tìm được một cộng đồng/bạn đồng hành phù hợp trên con đường chinh phục tiếng Anh.
Dự án trên của Vũ Thùy Trang (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM) vừa giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP do Cục Sở hữu Trí tuệ và ĐHQG-HCM tổ chức.
“Hẹn hò” cùng IELTS
Theo các số liệu thống kê, ước tính mỗi năm trên thế giới tăng hơn 2 triệu thí sinh thi IELTS. Riêng Việt Nam, năm 2018 rơi vào nhóm nước có phổ điểm Speaking thấp (trung bình 5.7). Từ thực tế đó Thùy Trang đã nảy ra ý tưởng lập dự án hỗ trợ những người học tiếng Anh cải thiện kỹ năng nói.
“Bản thân mình là người gắn bó với tiếng Anh gần 10 năm, riêng về IELTS tầm 5 năm. Mình cũng từng trầy trật tự luyện IELTS, nên mình rất hiểu sự khó khăn của người học.Vì thế, mình cùng nhóm bạn quyết định xây dựng ứng dụng này để giúp việc luyện kỹ năng nói trong IELTS trở nên dễ dàng hơn, ngoài ra còn hỗ trợ người học tìm được bạn luyện tập thích hợp và gỡ bỏ phần nào rào cản về chi phí, thời gian”.
Trước khi bắt tay lập dự án, Thùy Trang và các cộng sự đã khảo sát với quy mô lần lượt là 200 và 500 sinh viên, học sinh ngẫu nhiên. Kết quả hơn 86% phản hồi rằng họ sẽ sẵn sàng sử dụng ứng dụng IELTS TINDER.
Thùy Trang cho biết thêm, hiện nay đã có một số ứng dụng tiếng Anh có chức năng ghép đôi nhưng thường là giữa một giáo viên và người học, vì vậy chi phí cho việc ghép đôi cao, gây khó khăn với một số người dùng. Bên cạnh đó, việc kết nối các ứng dụng trung gian thường không phân dạng, thậm chí không liên quan đến các dạng đề IELTS, thay vào đó là kỹ năng giao tiếp phổ thông. Mặt khác, khi sử dụng các diễn đàn và cộng đồng người học IELTS trên các trang mạng xã hội, một ví dụ nổi bật là Facebook, người dùng phải trải qua hàng loạt thao tác tìm kiếm, đăng bài, chọn lọc, kết bạn… mất thời gian và dễ bị sao nhãng.
IELTS TINDER cung cấp dịch vụ chính là kết đôi luyện nói trực tiếp trên nền tảng Twilio. Ngoài ra nó còn các hoạt động khác để thu hút và hỗ trợ việc tự học của người dùng như: Dubbing room - phòng lồng tiếng, phòng luyện tập ngữ điệu và phát âm theo phụ đề phim bằng giọng người bản xứ. Newsfeed, nơi cộng đồng chia sẻ và đánh giá các bài nói (Speech) và các bài viết chia sẻ kiến thức học thuật về IELTS (Sharing). Progress report, cung cấp dịch vụ kiểm tra, đánh giá định kỳ miễn phí mỗi tháng một lần do giám khảo chấm kèm bảng điểm chi tiết cho kỹ năng Speaking.
Khi đăng nhập vào ứng dụng, màn hình giao diện sẽ hiển thị các bài viết được theo dõi (mục Following), cùng với các từ khóa chủ đề nói (mục Searching), và danh sách bạn nói theo các tiêu chí (mục Matching). Người dùng sẽ xem và “hẹn hò nói” theo các chủ đề, thể loại cùng bạn kết đôi.
“Nếu bạn có thể sử dụng chức năng ghép đôi cho các mục đích yêu đương và xã hội, vậy thì với mục đích học thuật, việc ghép đôi sẽ trở nên thú vị hơn” - Thùy Trang nhận xét.
Ban đầu các bài nói vẫn được chấm thủ công bởi những giáo viên dựa trên các tiêu chuẩn của format IELTS SPEAKING. Từ đó, đội ngũ phát triển sẽ sử dụng nguồn dữ liệu thực tiễn đáng tin cậy này và các công cụ có sẵn về trí tuệ nhân tạo nhằm xây dựng những mô hình học máy có đủ khả năng đảm đương công việc nhận dạng giọng nói và ước lượng điểm bài thi nói của người dùng.
Đối tượng dùng IELTS TINDER là những người có dự định thi IELTS. Cụ thể hơn thì phân khúc khách hàng nằm ở độ tuổi 15 - 30, nghề nghiệp là học sinh, sinh viên và người đi làm.
Kiên trì làm nên giá trị của ứng dụng
Dự án IELTS TINDER được triển khai vào đầu tháng 4/2020 đến nay. Trong suốt 7 tháng này, nhóm bạn từng “đập đi xây lại” kế hoạch không dưới hai lần. Mỗi lần gặp giám khảo ở các cuộc thi, nhóm lại phát hiện ra những vấn đề “nhức nhối” của dự án mà các thành viên chưa lường được.
Thùy Trang bộc bạch: “Một trở ngại nữa đó chính là thời gian mọi người dành cho dự án bị hạn chế, những cuộc họp nhóm đêm thường diễn ra. Áp lực cân bằng sức khỏe và sắp xếp thời gian biểu cá nhân không hề nhỏ. Dù vậy, cứ qua mỗi cuộc thi thì tụi mình học được rất nhiều điều, gặt hái được chút thành tích làm động lực phấn đấu nên mọi người ai cũng hăng hái, gắn kết như những ngày đầu”.
Tuy còn ít nhiều ngô nghê trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhóm vẫn cố gắng tiếp thu và hoàn thiện các khâu. Chính tinh thần nhiệt huyết và cách làm việc khoa học đã thu hút sự cộng tác từ đội ngũ IELTS “xịn sò”.
Ban đầu, các giám khảo đánh giá bài thi nói của người dùng sẽ là những cá nhân có thành tích cao trong các cuộc thi IELTS. Cụ thể là các bạn đạt từ mức điểm 7.5 IELTS SPEAKING hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ kết nối các trung tâm Anh ngữ của các trường đại học với mục đích hợp tác với những thầy cô có kinh nghiệm. Đồng thời nhóm cũng nỗ lực trong việc chào mới các thí sinh được chứng nhận bởi British Council hay IDP với vai trò cố vấn trong việc đánh giá bài nói của người dùng. Trong tương lai, IELTS TINDER sẽ hợp tác với những người bản xứ uy tín để tăng sức hút cũng như đảm bảo chất lượng của ứng dụng.
Hiện tại, ứng dụng khai thác thương mại chủ yếu trên 3 gói: Gói Account, nơi người dùng sẽ được trải nghiệm các chức năng với tiện ích cao; Gói Bonus, nơi người dùng có thể mua thêm quỹ giờ để luyện nói; Gói lẻ, các dịch vụ chấm bài lẻ.
Cô Võ Thanh Nga - giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Quốc Tế, đánh giá: “Tôi thấy IELTS TINDER là một ứng dụng tiềm năng vì giúp tiết kiệm chi phí cho việc luyện nói tiếng Anh, thời gian sử dụng cũng linh hoạt. Tôi nghĩ ứng dụng này sẽ phù hợp với những ai không có đủ thời gian và tiền bạc để đăng ký các lớp luyện thi tại trung tâm nhưng vẫn mong muốn được học tiếng Anh có chất lượng, hiệu quả”.
Nhờ thắng giải cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP mà nhóm của Thùy Trang nhận được tài trợ từ Trường ĐH Quốc Tế trong vòng một năm. Bên cạnh đó, nhóm tiếp tục tham gia các cuộc thi để tìm thêm nguồn tài trợ khác giúp dự án nhanh đạt tiến độ đã đề ra và có thêm kinh phí để đầu tư các chức năng khác của ứng dụng.
KIM NGÂN (Bản tin ĐHQG-HCM số 203)
Hãy là người bình luận đầu tiên