Trong bối cảnh tuyển sinh đại học còn nhiều bất cập, liên tục thay đổi và cải tiến gây nhiều hoang mang cho thí sinh, phụ huynh, ĐHQG-HCM đã đưa ra phương án tuyển sinh bằng kỳ thi Đánh giá Năng lực (ĐGNL). Phương án này vừa dung hòa các yêu cầu của Bộ GD&ĐT vừa đáp ứng tiêu chí tuyển chọn thí sinh tốt cho các trường.
Năm 2019, hơn 40 ngàn lượt thí sinh của 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia 2 đợt thi ĐGNL, trong đó hơn 6.500 thí sinh dự thi cả 2 đợt. Có 33 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm KT&ĐGCLĐT ĐHQG-HCM, con số trên đã khẳng định uy tín của kỳ thi ĐGNL, tạo sự tin tưởng đối với xã hội.
Bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM được xây dựng theo cách tiếp cận của các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Xét về cấu trúc, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT cùng kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Cụ thể, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết ĐHQG-HCM chủ trương tổ chức kỳ thi riêng nhằm tuyển chọn cho mình những sinh viên đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong ít nhất 4 năm học tiếp theo ở bậc đại học. Triết lý của kỳ thi ĐGNL là hướng đến tương lai, chứ không quá quan trọng việc nhìn về quá khứ của thí sinh.
Năm 2020, ĐHQG-HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi ĐGNL với 2 đợt tương tự năm 2019. Dự kiến đợt 1 vào ngày 29/3 (Chủ nhật) tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang; đợt 2 vào ngày 5/7 (Chủ nhật) tại TP.HCM, Cần Thơ, Nha Trang.
MINH CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên