Sáng 25/2, tại TP.HCM, ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo “Giảng dạy và đánh giá kết quả học tập trình độ đại học trong bối cảnh ChatGPT”. PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.
Cơ hội và thách thức trong giảng dạy
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phạm Trần Vũ - Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết công nghệ chatbot mang đến một số cơ hội trong đào tạo. Cụ thể, việc tiếp cận nguồn thông tin, tri thức trở nên dễ dàng hơn, thông tin được xử lý tốt hơn, người học được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn mà không cần tương tác nhiều với giảng viên, quá trình tự học cũng tốt hơn. Song, có một số thách thức như thông tin có thể sai, người học lạm dụng công cụ hỗ trợ (lười tư duy, sao chép…).
TS Huỳnh Văn Thông - Trưởng Bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, nhận định hệ sinh thái thông tin số (DIE) vốn đã phong phú, cung cấp nhiều nguồn lực thông tin cho người dùng, nay được tiếp thêm sức mạnh bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, DIE khó có thể thay thế nhà trường và người thầy, tuy nhiên sự phối hợp của DIE và AI thì hoàn toàn có thể.
TS Thông cho rằng cần thay đổi chiến lược thiết kế dạy học, chẳng hạn giảng viên tự điều chỉnh cơ cấu giờ giảng bài/giờ tương tác theo hướng tăng số giờ tương tác. Một đề xuất khác là chuyển trọng tâm thiết kế nội dung dạy học từ kiểu tập trung vào chủ đề sang tập trung vào vấn đề và hoạt động. Chương trình đào tạo cũng nên được điều chỉnh theo hướng giải phóng thời gian, giải phóng tư duy, cần cập nhật lại chuẩn đầu ra, sẵn sàng cắt bỏ hay giảm thiểu những môn học thuần túy cung cấp thông tin, và tăng cường các học phần mang tính tổng hợp kiến thức.
GS.TS Đỗ Phúc - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM, đề xuất nên có các đề tài nghiên cứu về ChatGPT và ứng dụng vào nghiên cứu, giảng dạy, kinh doanh, phát triển phương pháp giảng dạy với sự cộng tác của AI và robot. Ông gợi ý mở các khóa học về việc ứng dụng ChatGPT.
Tác động lên đánh giá kết quả học tập
Theo PGS.TS Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, ChatGPT hiện có một số hạn chế như dữ liệu chỉ cập nhật đến cuối năm 2021, vẫn còn trả lời sai những vấn đề mang tính đặc thù vì không có ngữ liệu (chẳng hạn ngữ liệu chữ Nôm), kết quả trả lời đôi khi mất kiểm soát do cơ chế tự học. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là trong thời gian sắp tới, số lượng dữ liệu cung cấp cho ChatGPT sẽ tăng lên gấp bội.
Ông lưu ý câu trả lời của ChatGPT không phải lúc nào cũng giống nhau hoàn toàn mà đầu ra phụ thuộc vào cách hỏi, lịch sử hỏi và hàm xác suất, do đó khó phát hiện văn bản nào là của máy để nhận diện đạo văn. Điều này đặt ra thách thức lớn trong vấn đề đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Một thách thức khác là vấn đề truy nguồn thông tin. Các chatbot như ChatGPT lấy thông tin từ nhiều nguồn ngôn ngữ. PGS.TS Đinh Điền so sánh với việc tìm kiếm thông tin trên Google, câu hỏi bằng ngôn ngữ nào thường trả ra kết quả bằng ngôn ngữ tương ứng. Trong khi đó, ChatGPT có thể truy xuất thông tin từ nguồn viết bằng ngôn ngữ này nhưng trả lời cho người dùng bằng ngôn ngữ khác. Do đó, việc truy nguồn và kiểm chứng thông tin là hết sức khó khăn.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên