PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đưa ra vấn đề này tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy TP.HCM và ĐHQG-HCM tổ chức tại Hội trưởng Thành ủy TP.HCM vào sáng 28/7.
Tại hội thảo, nhiều lãnh đạo, chuyên gia cấp cao đều cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là những những yếu tố đột phá để Việt Nam thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong giai đoạn tới.
Phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết, trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ CNH, HĐH là động lực và là nhiệm vụ then chốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chìa khóa phát triển đất nước theo hướng hiện đại và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, ngay từ những năm đầu đổi mới, TP.HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và mạng lưới hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại. Chính sự chuẩn bị này đã đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét, trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này đặt ra các vấn đề liên quan năng lực cạnh tranh của Thành phố với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới.
“Thông qua hội thảo này, TP.HCM sẽ có cơ hội tiếp thu thêm những thông tin thiết thực, giúp Thành phố có cơ sở lý luận, thực tiễn để đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh đổi mới sáng tạo, có tiềm lực khoa học công nghệ vững mạnh và đưa các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình CNH, HĐH đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được. Tại Đại hội XII, Đảng đã nhận định: “Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được” và “việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”.
Ông Quân cũng cho biết, việc bổ sung “CNH, HĐH” vào mục tiêu tổng quát trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã cho thấy bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề địa chính trị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế gay gắt. Yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta.
“Điểm mới trong nhận thức của Đảng là xác định CNH, HĐH phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực” - Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá.
Ông Quân cho rằng nội hàm của khái niệm CNH, HĐH cần được thảo luận sâu rộng hơn trong giai đoạn mới. Theo đó Nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH cần xem xét đến các công nghệ của Cách mạng công nghệ lần thứ 4, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm. Đồng thời nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ công nghệ và sản xuất và đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước.
Cần đảm bảo năng lực tự chủ sản xuất
Phát biểu định hướng và chỉ đạo tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho hay so với thành tựu của các nước đi trước đã công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc thì những thành quả mà Việt Nam thu được còn thấp. Quá trình CNH, HĐH còn chưa được phân bổ đồng đều giữa các nhóm người và các khu vực.
Lý giải vấn đề này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng trong nhiều năm qua, quá trình công nghiệp hóa vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, các ngành sử dụng nhiều vốn và lao động không có kỹ năng. Phần lớn sản xuất công nghiệp là hoạt động gia công lắp ráp, sử dụng chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực về môi trường đã diễn ra. Quy mô và năng lực công nghiệp quốc gia trên thực tế vẫn còn nhỏ và yếu.
“Nếu tiếp tục duy trì hiện trạng này, Việt Nam sẽ không tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy gia công lắp ráp và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu” - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cảnh báo.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, quan điểm và định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam tuy đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển song vẫn đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.
“Để vượt qua bẫy gia công lắp ráp, các khu vực doanh nghiệp trong nước không chỉ chú trọng chế tạo linh kiện, mà phải nắm bắt cơ hội phát triển các dịch vụ tích hợp vào các sản phẩm cũng như các dịch vụ khác. Đồng thời, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần đặt trọng tâm vào phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, năng lực tự giải quyết vấn đề, hình thành kỹ năng số, làm việc nhóm, học tập liên tục thông qua Internet” - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ là cần thiết. Đây là một trong những cơ sở trọng yếu góp phần thực hiện mô hình CNH, HĐH trong giai đoạn tới.
“Cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ” - Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước. Trong tiến trình đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu; nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược.
Hội thảo đã thu hút 300 đại biểu các cấp với hơn 70 tham luận đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách hiệu quả để thực hiện mô hình CNH, HĐH đất nước giai đoạn mới.
PHIÊN AN - LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên