Từ khi xuất hiện vào đầu tháng 12/2019 đến nay, đại dịch COVID-19 đã trở thành nỗi ám ảnh của hàng triệu người trên thế giới. Song song với nó lại bùng phát thêm loại virus khác - “virus tin giả” với mức độ lây lan nguy hiểm không kém gì virus thật.
Tin thất thiệt và người đăng thất thủ
Năm 2020, số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đã chạm mốc 3,5 tỷ người, (chiếm khoảng 46% dân số thế giới, theo Growsteak). Riêng ở Việt Nam, theo báo cáo của Digital Maketing, năm 2019 có tới 62 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 64% dân số). Có thể nói trong giai đoạn phát triển cực thịnh của nền tảng công nghệ số hiện nay, việc cá nhân tạo cho mình một hoặc nhiều hơn các tài khoản mạng xã hội là điều rất bình thường. Thậm chí nhiều người còn cho rằng chẳng biết sống ra sao nếu thiếu đi mạng xã hội, khi các nền tảng ấy đã “bắt rễ” rất sâu và có chỗ đứng vô cùng bền chắc trong đời sống thường ngày của chúng ta. Với những tiện ích không thể chối bỏ, người ta có thể dùng mạng xã hội kết nối với nhau ở khắp mọi nơi, bày tỏ quan điểm, chia sẻ thông tin, hình ảnh hay bất cứ nội dung nào.
Đại dịch COVID-19 trở thành một “miếng mồi ngon” cho những kẻ ưa lọc lừa, thích thể hiện bản thân. Bên cạnh đó những người “ngây ngô” tham gia “làm giàu” các tin thất thiệt khiến cho việc đối phó dịch đã khó mà còn phải xử lý vấn đề nhức nhối này trên môi trường mạng. Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến mạng xã hội, đến mọi mặt trong đời sống, nhưng phần nào cũng giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại, thận trọng với sự thật - giả đang hiện diện mỗi ngày.
Uống rượu có thể diệt virus Corona - một thông tin lan truyền trên mạng xã hội Iran về một giáo viên người Anh và nhiều người khác tự chữa khỏi Covid-19 nhờ uống Whisky pha mật ong. Chính vì tin vào thông tin này, nhiều người đã không quan tâm đến các chỉ dẫn y tế, mà mua rượu về uống khiến cho tình trạng ngộ độc dẫn tới tử vong trong một ngày còn cao hơn cả số người mất do COVID-19. Đáng nói hơn, có một cậu bé ở Iran đã bị mù khi ba mẹ cho uống methanol vì tin vào lời đồn trên mạng.
Tại Việt Nam, những người nổi tiếng (KOLs) cũng “góp phần” bằng các dòng trạng thái thất thiệt trên Facebook, Instagram… Từ tháng 2/2020, một KOLs có tên Đ.N.Q (Hà Nội) đã đăng tải gần 300 bài viết về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương và nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Sau khi bị điều tra, Đ.N.Q cho biết đã thu thập tin tức từ nhiều nguồn không rõ ràng, sau đó đem về chỉnh sửa và lồng ghép quan điểm cá nhân vào.
Một số người nổi tiếng cũng không có kỹ năng trước những thông tin sai sự thật mà vội chia sẻ đến cộng đồng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tên tuổi của họ mà còn làm cho tình hình dịch bệnh sai lệch đi. Ngày 26/1/2020, Fanpage của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin về hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm COVID-19 đã chết tại Việt Nam và sau đó đưa ra lời khuyên mọi người nên cẩn trọng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Đã có ít nhất ba người nổi tiếng phải làm việc với cơ quan chức năng và bị xử phạt 12,5 triệu đồng do hành vi cung cấp thông tin sai sự thật theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ.
Đọc vị tin tức, đánh thức kỹ năng
Tin giả mạo, tin thất thiệt thường khiến người ta dễ tin vì nó đánh trúng vào tâm lý, sở thích, nhu cầu của họ. Ngày càng có nhiều tin giả mạo tinh vi, chúng ta cần trang bị cho mình một “áo giáp chống đạn” để đề phòng những sát thương mà mạng xã hội mang đến.
Bạn Hồ Minh Tâm, sinh viên Trường Cao đẳng Xây dựng II TP.HCM, chia sẻ: “Mình thường xuyên xem tin tức trên mạng xã hội. Mình xem các mục ‘hot’ trên Youtube, Facebook, TikTok. Vì chúng cập nhật tin tức rất nhanh, thuận tiện nhưng có nhược điểm là dễ bị tin giả lừa đảo. Ví dụ như về Covid-19, nhiều thông tin làm cho mình hoang mang”.
Rất nhiều người hiện nay bị cuốn hút bởi những Fanpage có lượng tương tác cao, cập nhật tin tức “hot” chạy quảng cáo thường xuyên. Nhầm lẫn những trang tin hỗn hợp (loại này ngụy trang như một tờ báo, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí, thực chất đó là các blog cá nhân) với các trang báo điện tử. Những trang này đa số là trang tin tức giả, thường xuyên truyền thông sai lệch để thu hút người dùng.
Theo ThS Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, một số trang tin giải trí không chính thống thường xuyên cập nhật tin tức “hot”, khi đủ lượng “like, follow” sẽ bán trang. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn tham gia trang đó, thông tin cá nhân của bạn có thể sẽ bị bán cho bên thứ ba.
Do vậy, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, người đọc cần áp dụng những kỹ năng thẩm định thông tin như: thông tin phải khách quan, đa chiều; thông tin có sự xác nhận của người/cơ quan có thẩm quyền; tác giả của thông tin là người có chuyên môn, thông tin có được từ bằng chứng thực tế, nguồn thông tin được xác minh rõ ràng. Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của mọi người. Mỗi hành vi của chúng như thích, chia sẻ, bình luận sẽ là quá trình tái xuất bản thông tin ấy một lần nữa trên mạng xã hội nên phải vô cùng cẩn trọng.
ThS Minh Nguyệt chia sẻ thêm: “Để trở thành một công dân ‘tiêu dùng tin tức thông minh’, bạn phải có sự hiểu biết thông qua việc học và rèn luyện. Khi tiếp nhận một thông tin đừng để thành kiến và cảm xúc chi phối quá nhiều. Chúng ta cũng nên giữ tâm thế bình tĩnh chờ đợi những diễn biến tiếp theo của thông tin và để ý xem các nguồn khác nhau cùng nói gì về nó. Bản thân độc giả phải là một thẩm phán để đưa ra quyết định có nên tin tưởng và chia sẻ tin tức với cộng đồng hay không”.
Đối mặt với tin giả, chúng ta cần sáng suốt để loại bỏ và không tiếp tay cho những mục đích xấu lan truyền. Hãy để mạng xã hội phát huy tính năng tiện ích của nó, và chúng ta hãy là những công dân tiêu dùng tin tức thông minh.
KIM NGÂN - NGUYỄN HẢI (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)
Hãy là người bình luận đầu tiên