Ngày 16/1, ĐHQG-HCM tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyển sinh và đào tạo sau đại học. Tính tới tháng 1/2016, ĐHQG-HCM có tổng quy mô đào tạo là 947 nghiên cứu sinh (NCS) và 8.304 học viên cao học (HV). Mỗi năm, ĐHQG-HCM đào tạo 263 NCS và 2.375 HV. Ngoài ra, các đơn vị đào tạo của ĐHQG-HCM còn triển khai 18 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Hiện tại, ĐHQG-HCM đào tạo 105 ngành trình độ thạc sĩ và 79 ngành trình độ tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau. Theo danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành của Bộ GD&ĐT, ĐHQG-HCM đào tạo sau đại học 15/23 lĩnh vực giáo dục đào tạo. Tỷ lệ đào tạo sau đại học so với đại học của ĐHQG-HCM là 15,2%.
Trong năm qua, ĐHQG-HCM vẫn giữ vững quy mô và chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác với các địa phương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hướng tuyển sinh và đào tạo sau đại học năm 2017 của ĐHQG-HCM có một số thay đổi. Theo đó, các đơn vị sẽ chủ động thời điểm tuyển sinh. Thí điểm tại Trường ĐH Bách Khoa và Viện MT-TN tổ chức tuyển sinh sau đại học đợt 1 vào tháng 3, đợt 2 vào tháng 8. Các cơ sở còn lại vẫn tuyển sinh đợt 1 vào tháng 5 và đợt 2 vào tháng 10. ĐHQG-HCM cũng mở rộng đối tượng xét chuyển tuyển sinh và tỷ lệ xét chuyển tiếp. Bổ sung hai đối tượng chuyển tiếp sinh là sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy từ các chương trình kiểm định ABET, AUN-QA còn trong thời gian hiệu lực, điểm trung bình tốt nghiệp từ 7.5 trở lên. Tỷ lệ chuyển tiếp sinh tăng thêm 5% (từ 20 lên 25%).
Ngoài ra, về chuẩn trình độ xét tuyển ngoại ngữ, ĐHQG-HCM công nhận thêm 4 cơ sở được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tham gia rà soát năng lực giảng viên ngoại ngữ tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ Quốc gia gồm: Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tin, ảnh: THÁI VIỆT
Hãy là người bình luận đầu tiên