Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) không chỉ là lời đáp về đảm bảo chất lượng đào tạo của trường ĐH cho các bên liên quan mà còn là gợi ý giúp nâng cao chất lượng đào tạo… Tuy nhiên, khi nhắc đến KĐCLGD, một câu hỏi lớn đặt ra, các trường ĐH phải kiểm định theo tiêu chuẩn nào: tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn khu vực hay tiêu chuẩn quốc tế? Và nên kiểm định cấp cơ sở giáo dục hay cấp chương trình đào tạo?
ĐHQG-HCM đã trả lời câu hỏi này bằng việc thực hiện KĐCLGD theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế. Bên cạnh việc vừa thực hiện kiểm định theo cấp cơ sở giáo dục vừa tiến hành đăng ký kiểm định cấp chương trình đào tạo.
Dẫn đầu số lượng chương trình đạt chuẩn
Tháng 5/2017, bốn trường thành viên ĐHQG-HCM gồm: Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH CNTT, Trường ĐH KHTN, Trường ĐH Kinh tế - Luật được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT. Trước đó, vào tháng 11/2016, Trường ĐH Quốc Tế đã đạt chuẩn kiểm định này. Tháng 11/2017, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM đạt cùng lúc hai chuẩn kiểm định quốc tế cấp cơ sở là HCERES và AUN. Như vậy toàn bộ 6 trường thành viên ĐHQG-HCM đều đạt KĐCLGD cấp cơ sở theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế.
“6 trường thành viên ĐHQG-HCM đạt KĐCLGD cấp cơ sở theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực, quốc tế; 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA; 2 chương trình đạt chuẩn ABET; 7 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn CTI; 2 chương trình đạt chuẩn ACBSP và FIBBA”.
ĐHQG-HCM là thành viên chính thức của AUN từ năm 1999, và bắt đầu tham gia đánh giá đảm bảo chất lượng cấp chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA từ năm 2009. Tính đến nay ĐHQG-HCM có 38 chương trình kiểm định theo tiêu chuẩn này, trong đó 30 chương trình đã đạt chuẩn, 8 chương trình đang chờ kết quả (chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước).
ĐHQG-HCM có 2 chương trình được kiểm định theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ Mỹ (ABET) năm 2014; 7 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kỹ sư Pháp và châu Âu (CTI) năm 2010; 2 chương trình đạt chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Mỹ (ACBSP) năm 2010 và của Tổ chức Kiểm định chất lượng Chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBBA) năm 2015.
Như vậy, ĐHQG-HCM có 41/92 chương trình được đánh giá trên toàn quốc, chiếm gần 45% và dẫn đầu về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực lẫn quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM việc phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng được ĐHQG-HCM xem trọng ngay từ những ngày đầu thành lập. Và công tác kiểm định chất lượng có vai trò rất quan trọng, giúp các đơn vị tự nhận ra điểm mạnh, điểm hạn chế để cải tiến liên lục. Đến nay, văn hóa chất lượng đã được hình thành và lan tỏ rõ nét trong toàn hệ thống.
Kiểm định để nâng cao chất lượng
ĐHQG-HCM tham gia KĐCLGD rất sớm và thực hiện song song kiểm định cấp cơ sở giáo dục cùng kiểm định cấp chương trình đào tạo. Về việc lựa chọn các tổ chức kiểm định cũng rất đa dạng, ĐHQG-HCM kiểm định theo chuẩn của các tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế.
Chính điều này mang đến nhiều lợi ích sau kiểm định cho “3 bên”: Người học - nhà trường - xã hội.
“Khi một chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng ABET, điều đó có ý nghĩa là chất lượng đào tạo của chương trình đã được thừa nhận trong phạm vi toàn cầu. Điều này gắn với xã hội rất có ý nghĩa, nhất là khi nền kinh tế của đất nước đang cần thu hút đầu tư của nước ngoài, việc kiểm định theo tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ sẽ góp phần thu hút đầu tư thông qua việc khẳng định chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực”.
PGS.TS Thoại Nam
PGS.TS Thoại Nam - Trưởng khoa Khoa học và Máy tính Trường ĐH Bách Khoa, đơn vị đạt chuẩn kiểm định ABET năm 2014 phân thích: “Theo học chương trình đạt chuẩn ABET, người học sẽ được thụ hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp. Các chương trình đạt chuẩn ABET phải thường xuyên nhận phản hồi từ các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, cựu sinh viên... để luôn luôn cải thiện chất lượng của người học. Bên cạnh đó, người học sẽ có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET, cũng như người học sẽ nhận được những ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức Mỹ”.
PGS Nam cũng cho biết thêm với một trường ĐH, khi một chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng ABET, điều đó có ý nghĩa là chất lượng đào tạo của chương trình đã được thừa nhận trong phạm vi toàn cầu. Điều này gắn với xã hội rất có ý nghĩa, nhất là khi nền kinh tế của đất nước đang cần thu hút đầu tư của nước ngoài, việc kiểm định theo tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ sẽ góp phần thu hút đầu tư thông qua việc khẳng định chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực.
“Điều này được thể hiện qua một số động thái của các công ty lớn: Boeing đã tài trợ toàn bộ chi phí cho các chuyên gia của ABET tổ chức hội thảo tại Việt nam vào các năm 2007 và 2008; Intel khi đầu tư cho dự án HEEAP với một yêu cầu đính kèm là các chương trình đào tạo phải được kiểm định ABET” - PGS.TS Thoại Nam chia sẻ.
Tất nhiên một cơ sở giáo dục hay một chương trình đào tạo khi được công nhận đạt chuẩn sẽ màng lại rất nhiều lợi ích. Nhưng lợi ích lớn nhất của KĐCLGD vẫn nằm ở chỗ “nhìn lại mình”, xem mình đạt và chưa đạt những gì để từ đó cải tiến, phấn đấu hơn nữa.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ngôi trường vừa đạt chuẩn kiểm định cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT cũng như nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, cho biết: “Đoàn kiểm định đã đánh giá và đưa ra kết quả kiểm định khách quan, chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu của nhà trường để chúng tôi có những kế hoạch nâng cao chất lượng trong thời gian tới”.
GS.TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, cho rằng kết quả kiểm định đạt được “không phải là điểm đến cuối cùng của quá trình đảm bảo chất lượng mà nó là điểm khởi cho một quy trình khép kín, liên tục cải tiến nhằm đảm bảo chất lượng và cam kết thực hiện những mục tiêu đã đề ra của trường”.
“Mục tiêu của Trường ĐH Bách Khoa sau khi được công nhận kiểm định, không phải là sự hài lòng, tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải là một chiến lược tổng thể, lâu dài về sự cam kết chất lượng của trường đối với xã hội và đối với từng cán bộ viên chức, sinh viên thông qua các hoạt động cụ thể như: Liên tục rà soát và cải tiến chất lượng hoạt động của hệ thống trong quy trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hành chính; Xây dựng cơ chế tự chủ tài chính và tự chủ hoạt động của trường; Hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thông qua nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu” - GS Thành nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng lợi ích của kiểm định chính là nâng cao chất lượng: “Các cơ sở cần nhận thức rõ kiểm định là thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH; là nhiệm vụ của ngành giáo dục và là trách nhiệm của tất cả trường trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các trường cần tăng cường cải tiến chất lượng nhằm thực hiện được sứ mạng của mình, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bối cảnh cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo ngày càng quyết liệt, thì chỉ có nâng cao chất lượng mới là hướng đi đúng đắn để các trường tồn tại và phát triển bền vững”.
Chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều trường ĐH
Đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát đi thông điệp mạnh mẽ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác KĐCLGD ĐH, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Bộ yêu cầu các trường phải tham gia kiểm định, những trường nào nếu xét thấy không trụ nổi thì chính các trường đó nên khai tử một cách tự nhiên, không kéo dài thời kỳ lâm sàng”.
Qua thông điệp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có thể hiểu rằng KĐCLGD là yêu cầu bắt buộc với tất cả trường ĐH.
“Việc đánh giá được thực hiện một cách độc lập, không hề có sự thiên vị khi tiến hành đánh giá. Do đó, không thể có chuyện cho qua, hay trường nào không đạt cũng được đánh giá đạt và trao chứng nhận được”.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa
Trên thực tế, đã có nhiều cơ sở đào tạo mạnh dạn đầu tư để đạt chuẩn kiểm định của khu vực và thế giới. Đến nay, cả nước có hơn 90 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực có uy tín. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn loay hoay với các câu hỏi như: Chọn tổ chức kiểm định nào? Nên kiểm định cấp chương trình đào tạo hay cấp cơ sở giáo dục?
Trên thực tế, đã có nhiều cơ sở đào tạo mạnh dạn đầu tư để đạt chuẩn kiểm định của khu vực và thế giới. Đến nay, cả nước có hơn 90 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực có uy tín. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn loay hoay với các câu hỏi như: Chọn tổ chức kiểm định nào? Nên kiểm định cấp chương trình đào tạo hay cấp cơ sở giáo dục?
Là đơn vị tiên phong tham gia đánh giá bởi các tổ chức đánh giá, kiểm định trong nước, khu vực, quốc tế, ĐHQG-HCM thời gian qua đã tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các trường ĐH.
Cụ thể, trong những hội thảo này các chuyên gia thuộc ĐHQG-HCM phân tích rõ lợi ích, thách thức, các bước kiểm định, điểm tương đồng, khác biệt giữa các bộ tiêu chuẩn.
Nói về bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết: “AUN-QA đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng hiện đại, toàn diện và chi tiết, nhấn mạnh đến quá trình cải tiến chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài, theo nguyên lý, không chỉ xem xét kết quả tĩnh hiện tại. Với những ưu điểm đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chuẩn mới sử dụng sát bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo của AUN-QA, có chú ý đến bối cảnh Việt Nam. Tuy vẫn còn một số quan điểm chưa nhất trí với việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này, nhưng có thể xem đây là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu cầu toàn, đòi hỏi bộ tiêu chuẩn và quy trình phù hợp hơn nữa, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu cấp bách là cần củng cố ngay chất lượng đào tạo của ngành”.
Còn về câu chuyện “nên kiểm định cấp chương trình đào tạo hay cấp cơ sở giáo dục” thì câu trả lời khá rõ. Nếu lựa chọn kiểm định cấp cơ sở giáo dục thì nội dung đánh giá bao giờ cũng rộng hơn ở các mặt hoạt động. Trong đó tập trung vào sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, quản trị và quản lý, đồng thời đánh giá các nguồn lực như cơ sở vật chất trên phạm vi toàn trường. Ngược lại, nếu lựa chọn kiểm định cấp chương trình đào tạo thì các tổ chức kiểm định sẽ tập trung sâu vào chương trình và quá trình giáo dục. Một bên mang tính phổ quát, một bên mang tính đặc thù.
Thêm một điểm đáng lưu ý, ở cấp chương trình đào tạo, có một thực tế là nhiều trường ĐH ở Việt Nam “thích” đăng ký kiểm định ở những tổ chức như AUN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì trong thời gian tới việc đăng ký đánh giá chất lượng AUN-QA sẽ gặp khó khăn do hạn chế về số lượng. Do đó, các trường ĐH cần có kế hoạch để đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn khác trong nước và quốc tế như bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, bộ tiểu chuẩn ABET, AACSB… nhằm mục tiêu khẳng định và nâng cao chất lượng toàn diện.
Cụ thể hơn, ở Việt Nam có 4 trung tâm KĐCLGD độc lập trực thuộc ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM, ĐH Đà Nẵng, và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Phải nhấn mạnh một lần nữa rằng bộ tiêu chuẩn này xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do AUN-QA ban hành tháng 7/2016, gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các trường ĐH tham gia kiểm định mà không lo chuyện chọn tổ chức quốc tế nào khác.
Trao đổi về quá trình thực hiện kiểm định chất lượng của các trường theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa nhấn mạnh: “Trong các tiêu chí đánh giá đều đòi hỏi xem xét toàn bộ quá trình. Ví dụ từ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai giảng dạy, học tập, cho đến mức độ hài lòng của người sử dụng sinh viên tốt nghiệp cũng như chính sinh viên đã tốt nghiệp. Các đoàn đánh giá ngoài đều phải quan tâm đến toàn bộ quá trình, khai thác tối đa các dữ liệu, thông tin, minh chứng có thể được trong suốt quá trình đánh giá. Các đoàn thực tế cũng đã sử dụng nhiều phương pháp khách quan, đa chiều nhằm lấy ý kiến của nhiều đối tượng liên quan (sinh viên đang học, sinh viên đã tốt nghiệp, nhà tuyển dụng lao động...), đảm bảo việc đánh giá chất lượng là thực chất nhất có thể. Việc đánh giá được thực hiện một cách độc lập, không hề có sự thiên vị khi tiến hành đánh giá. Do đó, không thể có chuyện cho qua, hay trường nào không đạt cũng được đánh giá đạt và trao chứng nhận được”.
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên