Ngày 19/7, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) và ĐHQG-HCM đã phối hợp tổ chức Diễn đàn các trường đại học châu Á lần thứ 12 (AUF 12) với chủ đề “Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á”.
Diễn đàn quy tụ lãnh đạo của hơn 20 cơ sở giáo dục đại học đến từ 13 quốc gia châu Á: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nepal, Kazakhstan. Các đại diện Việt Nam gồm ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương.
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi về những cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với giáo dục, đặc biệt trong giáo dục đại học khu vực châu Á; Chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm mà các trường đại học đang và sẽ thực hiện nhằm ứng phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội AI mang lại để tăng cường hiệu quả quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, đây còn là dịp để kết nối, phát triển quan hệ đối tác giữa các trường đại học thành viên AUF.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết Diễn đàn các trường đại học châu Á luôn là một nền tảng then chốt để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tri thức và trao đổi học thuật giữa các cơ sở giáo dục đại học khu vực châu Á. Chủ đề “Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á” (tên tiếng Anh: Embracing the Future of AI and its Uncertainty: a Regional Focus) nhằm khám phá những tiềm năng của AI và tác động của nó lên xã hội, cụ thể là đối với giáo dục đại học.
“Các công nghệ đột phá gần đây cùng với sự gia tăng tích hợp AI trong các lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực của tập thể chúng ta nhằm định vị những thách thức và nắm bắt các cơ hội ở phía trước. Thông qua các thảo luận sâu và khai mở các sáng kiến hợp tác, mục tiêu của chúng ta không chỉ làm giàu vốn hiểu biết về AI trong lĩnh vực giáo dục mà còn nhằm phát triển các chiến lược để khai thác sức mạnh của nó” - Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ.
GS Ryu Hong-lim - Hiệu trưởng ĐHQG Seoul, cho biết chủ đề của diễn đàn năm nay đặt trong bối cảnh kỷ nguyên hậu đại dịch. Theo ông, việc đào sâu tiềm năng cũng như hiểu rõ “tính bất định” (uncertainty) của AI là hết sức cần thiết cho sự phát triển chung của khu vực châu Á.
Diễn đàn lắng nghe 2 phát biểu đề dẫn của GS Dương Nguyên Vũ (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) về “giáo dục cá nhân hóa” dựa trên AI, và của GS Kim Gun-hee (ĐHQG Seoul, Hàn Quốc) về tương lai của AI tại châu Á. Đại diện của 3 đại học thành viên AUF gồm GS Vương Chấn Lâm (Phó Hiệu trưởng ĐH Nam Kinh, Trung Quốc), GS Chakkaphan Sutthirat (Phó Hiệu trưởng ĐH Chulalongkorn, Thái Lan), PGS.TS Trần Minh Triết (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM) đã thuyết trình về các vấn đề mà AI đang đặt ra. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về hợp tác liên đại học để đáp ứng kỷ nguyên AI, do PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, chủ trì.
Diễn đàn các trường đại học châu Á (AUF) là sáng kiến do ĐHQG Seoul khởi xướng. Từ năm 2011, diễn đàn được tổ chức thường niên, tạo cơ hội để lãnh đạo các trường đại học khu vực châu Á cùng chia sẻ quan điểm về phát triển bền vững giáo dục toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học trong khu vực. Đến nay, AUF đã diễn ra 12 mùa, thảo luận về các vấn đề cấp bách và những xu hướng mới trong giáo dục đại học trên thế giới và tại khu vực châu Á.
LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên