Thông cáo báo chí

ĐHQG-HCM không chỉ đứng tốp đầu các ĐH châu Á

  • 12/01/2017
  • Đó là lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt ĐHQG-HCM, nhân dịp Thủ tướng tới chúc mừng Lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Nhà Điều hành ĐHQG, ngày 20/11.

    Cùng tham dự buổi làm việc có ông Phan Thanh Bình, UVTVQH khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM. Về phía lãnh đạo các bộ có ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ  nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; và các Bộ trưởng Bộ TN&MT; Bộ KH&ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ KH&CN, Bộ Xây Dựng; lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Bình Dương; các vị nguyên là lãnh đạo ĐHQG-HCM, lãnh đạo các trường, đơn vị thành viên, trực thuộc và hơn 1.000 cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM.

    Mô hình đô thị ĐH đầu tiên của Việt Nam

        Bày tỏ sự xúc động khi đến thăm ĐHQG-HCM vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo và sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

        Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong 21 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã luôn đi đầu cả nước về nghiên cứu và ứng dụng khoa học với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết lĩnh vực khoa học trọng điểm với trung bình mỗi năm công bố từ 180 đến 200 bài báo ISI, hơn 200 đối tượng sở hữu trí tuệ đã được đăng ký. 

        ĐHQG-HCM cũng hình thành mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ châu Á, châu  u đến Bắc Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu như MINATEC (Pháp), UCLA, UCB (Hoa Kỳ), các tập đoàn công nghiệp lớn như Intel, Qualcomm, Toshiba, Mentor Graphics… Nhiều dự án hợp tác khoa học công nghệ đã và đang được triển khai, điển hình là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, Công ty May Tada, Ngân hàng Eximbank, Công ty Trường Hải…

        Đặc biệt ĐHQG-HCM đã triển khai bước đầu rất thành công dự án đô thị đại học đầu tiên ở Việt Nam.

        Đánh giá cao về những thành tựu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi các thầy cô giáo, các nhà khoa học và sinh viên vì danh dự và trách nhiệm của ĐHQG-HCM trước sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, phát huy hết tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá để làm tốt vai trò đầu tàu, nòng cốt trong quá trình đổi mới giáo dục góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh ngang cùng với các nước phát triển trong khu vực và thế giới”.

        Chia sẻ với các sinh viên ĐHQG-HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất, vấn đề là tận dụng và phát huy những điều kiện đó.

        “Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học ĐH. Phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô giáo, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ.

        Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành tặng 100 cuốn sách Kính chào thế hệ thứ tư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Ban Giám đốc ĐHQG-HCM. Đồng thời, đại diện lãnh đạo ĐHQG-HCM đã nhận hoa và quà chúc mừng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi lễ.

        Phát biểu đáp từ, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và chúc mừng toàn thể cán bộ, công chức, giảng viên ĐHQG-HCM nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên làm việc cùng ngày với cán bộ chủ chốt của ĐHQG-HCM. Ảnh: Đức Lộc

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Trong những năm qua, hai ĐHQG đã từng bước trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, riêng ĐHQG-HCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng và chất lượng công bố quốc tế cả về các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế. ĐHQG-HCM cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc hình thành một khu đô thị đại học khang trang, thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường tại cửa ngõ đông bắc của TP.HCM - trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

        Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NGND.GS.TS Phan Thị Tươi - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa và NGƯT.PGS.TS Dương Ái Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN.

    Đẩy nhanh thực hiện quyền tự chủ toàn diện

        Trong phiên làm việc cùng ngày với cán bộ chủ chốt của ĐHQG-HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng ĐHQG-HCM sẽ thành công khi và chỉ khi từng trường thành viên thành công. Mỗi trường đều cần những có chiến lược chương trình hành động cụ thể để có thể phát huy tốt nhất đặc thù, lợi thế của từng trường, có như vậy ĐHQG-HCM mới phát triển vững mạnh.

        “Chiến lược tổng thể của ĐHQG-HCM là gì? Chiến lược của từng trường thành viên thuộc ĐHQG-HCM là gì? Nếu trả lời chính xác những câu hỏi này, tôi tin ĐHQG-HCM không chỉ đứng tốp đầu châu Á mà có thể của thế giới trong tương lai. Uy tín, danh tiếng của các trường tạo ra trên trường quốc tế cũng chính là hình ảnh và vị thế các đồng chí tạo ra cho đất nước chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.

        Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết, ĐHQG-HCM xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên cả nước trên diện tích 643,7 ha nằm ở cửa ngõ đông bắc TP.HCM. Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay, diện tích đất được giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 73% và hiện công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa hoàn thành khu tái định cư, chính sách và giá đền bù không ổn định, giá đất ngày càng tăng dẫn đến khiếu kiện ngày càng nhiều. ĐHQG-HCM mong chờ vào sự chỉ đạo, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành để thúc đẩy xây dựng khu đô thị này.

        PGS.TS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị ĐHQG-HCM sẽ được vay vốn hai địa phương TP.HCM và Bình Dương, bố trí nguồn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch đến hết năm 2018. 

        Trước những khó khăn nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành giải đáp trực tiếp từng vấn đề ĐHQG-HCM kiến nghị. Có mặt tại buổi làm việc, đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đều thống nhất ủng hộ đề xuất của ĐHQG-HCM về ứng vốn trung hạn, vay vốn kích cầu địa phương để giải phóng mặt bằng.

        Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị ĐHQG-HCM cần có cách tiếp cận theo hướng đầu tư vun cao. Ông cho rằng cùng một lúc không nên đầu tư dàn trải, mà cần tập trung đầu tư vào những ngành mũi nhọn để đi lên. 

        “Tôi đề nghị rà soát các ngành, chuyên ngành có tiềm lực cao gắn với nhu cầu cấp bách của địa phương để đào tạo, có như vậy mới có thể có nguồn lực xã hội hóa” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

        Chốt lại vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện sớm, dứt khoát và quyết liệt để giao đất sạch cho ĐQHG-HCM. Đề nghị bố trí 2.000 tỷ đồng trong 5 năm theo đề nghị của ĐHQG-HCM, ưu tiên ứng trước đồng thời đề nghị hai địa phương thành lập ban chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện.

        Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không có một đại học ‘ra hồn’ thì đất nước Việt Nam một trăm triệu dân này cũng không ra sao cả. Do đó, cần phải tập trung nguồn lực xây dựng ở đây thành một đô thị đại học và Hà Nội cũng vậy. Chính vì vậy, tôi giao các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD&ĐT cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc để ĐHQG-HCM phát triển. Nhất là rà soát tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy thực hiện quyền tự chủ toàn diện”.
     

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt tặng quà của ĐHQG-HCM cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đức Lộc

    Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần thương hiệu ĐHQG thực sự và cần phải giao lại nhiệm vụ này cho ĐHQG. Muốn như vậy, trước hết phải xây dựng cơ sở vật chất của một ĐH xứng tầm thương hiệu.

        Theo ông Bình, về cơ chế tài chính đặc thù, đề nghị được thu học phí theo hướng chuyển từ phí sang giá theo cách tính đúng tính đủ nhưng vẫn cần có được sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất. Việc chi trả lương cho giảng viên cũng cần được thực hiện theo sự đánh giá của nhà trường, chứ không theo quy định tối đa gấp 3 lần lương cơ bản như hiện nay.

        Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết với những đề tài khoa học thuộc danh sách ISI được đánh giá tốt, Chính phủ sẽ tài trợ 500USD/bài và tài trợ ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp sinh viên cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tìm nguồn hỗ trợ thành lập một trung tâm văn hóa cho ĐHQG-HCM như cách làm ĐHQG Hà Nội, với kinh phí 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ đồng).

        Thủ tướng cũng đặt hàng, từ nay đến năm 2020, ĐHQG-HCM phải tăng số lượng công bố quốc tế gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với thế giới, tiếp tục thu hút giảng viên nước ngoài có uy tín về làm việc. 

        “Tôi đồng ý mở rộng cơ chế để ĐHQG-HCM là nơi thí điểm thu hút giảng viên giỏi nước ngoài về làm việc, với mức lương 2.000-3.000USD, thậm chí 5.000 USD/tháng”, Thủ tướng cho biết thêm.

    PHIÊN AN
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên