Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM là đơn vị sự nghiệp công lập điển hình về giáo dục

  • 24/04/2024
  • Đó là nhận định của ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại buổi làm việc với ĐHQG-HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Buổi làm việc được tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 24/4.

    Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là một trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các chuyên đề này sẽ được đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8 này. Bên cạnh các bộ, ngành, địa phương, đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực về giáo dục, y tế, KH&CN có báo riêng. 

    “ĐHQG-HCM cùng với ĐHQG Hà Nội là hai đơn vị sự nghiệp công lập điển hình về giáo dục. Thông qua thực tiễn hoạt động của ĐHQG-HCM, đoàn giám sát muốn tìm hiểu kết quả của việc thực hiện chính sách, pháp luật, về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhấn mạnh.

    ThS Nguyễn Ngọc Tùng - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ, trình bày báo cáo kết quả thực hiện các chính sách pháp luật tại ĐHQG-HCM liên quan vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quản lý biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức, hoạt động của mô hình hội đồng đại học, hội đồng trường đại học; cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ và thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học.

    Ông Tùng cũng nêu nhiều kiến nghị với đoàn giám sát về các quy định liên quan hội đồng đại học và hội đồng trường đại học.

    Theo đó, Luật Giáo dục Đại học cần sửa đổi bổ sung nội dung về vị trí pháp lý của hội đồng ĐHQG, hội đồng đại học, hội đồng trường trường đại học, đặc biệt là làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng ĐHQG với hội đồng trường trường đại học thành viên.

    Đồng thời, cũng cần có quy định làm rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy ĐHQG với hội đồng ĐHQG, Giám đốc ĐHQG và quy định cụ thể tiêu chuẩn thành viên bên ngoài tham gia hội đồng ĐHQG. Làm rõ đại diện quyền sở hữu đối với các trường đại học thành viên của ĐHQG và cần có quy định cụ thể chủ thể là người đứng đầu/thủ trưởng trường đại học.

    ĐHQG-HCM mong đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về ĐHQG; xin Thủ tướng Chính phủ cho phép ĐHQG-HCM có thẩm quyền quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với viên chức giảng dạy tại ĐHQG-HCM đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

    Về hợp tác công - tư, ThS Nguyễn Ngọc Tùng cho biết, trong quá trình triển khai, ĐHQG-HCM đã gặp nhiều khó khăn do thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời và đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.

    Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, ĐHQG-HCM đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của đoàn giám sát trong việc cung cấp các báo cáo, kiến nghị liên quan. Đối với các ý kiến, đề xuất liên quan thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, Chính phủ, đoàn giám sẽ tổng hợp và trao đổi với các cơ quan này. Các kiến nghị thuộc phạm vi quy định pháp luật, đoàn sẽ báo cáo với Quốc hội.

    Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu mở đầu buổi làm việc.
    Toàn cảnh buổi làm việc.

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên