Sự đa dạng trong việc kiến tạo các mô hình hệ thống đại học được Luật Giáo dục Đại học năm 2013 khẳng định gồm đại học nghiên cứu, ứng dụng và thực hành nhằm xác lập sứ mạng, vai trò đặc thù đối với xã hội. Trong đó, mô hình hệ thống đại học nghiên cứu chiếm giữ vị thế tạo lập nguồn lực tinh hoa, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Để xây dựng hệ thống đại học nghiên cứu, trước hết các đại học cần phải thiết lập nền tảng vật chất hiện đại cùng năng lực tài chính tự chủ, vững mạnh. Đây cũng là hai trụ cột điển hình của ĐHQG-HCM khi thực hiện mô hình hệ thống đại học nghiên cứu với ba chức năng chính: đào tạo con người - nghiên cứu khoa học - phục vụ xã hội.
Hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm
Là một hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực gồm các trường, viện thành viên, các đơn vị trực thuộc, ĐHQG-HCM đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu theo hướng hiện đại, tập trung. Trong đó, hệ thống 60 phòng thí nghiệm (PTN) với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình KH&CN trọng điểm là một dấu ấn nổi bật.
Nhiều PTN phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tạo được thương hiệu trong giới doanh nghiệp và xã hội như: PTN trọng điểm quốc gia Điều khiển số - Kỹ thuật hệ thống, PTN trọng điểm quốc gia Vật liệu Polymer-Composite, PTN Công nghệ Nano, PTN Công nghệ sinh học phân tử, PTN Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, PTN Công nghệ và chất lượng môi trường...
Hiện nay, ĐHQG-HCM đang tập trung xây dựng và phát triển các PTN trọng điểm cấp ĐHQG-HCM với mục đích tạo nên những tập thể nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc có khả năng tạo đột phá trong KH&CN.
Từ hệ thống phòng thí nghiệm này, nhiều chương trình phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được ĐHQG-HCM thực hiện như: dự án hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về công nghệ thu hoạch và bảo quản trái cây, xử lý nước thải, bảo tồn sinh thái; dự án JICA-SUPREM xây dựng và phát triển bền vững mô hình đào tạo theo định hướng nghiên cứu, đẩy mạnh liên kết với cộng đồng địa phương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề KH&CN của các tỉnh ĐBSCL, Tây nguyên và Tây Nam bộ; dự án xử lý chất thải và chưng cất nước ngọt từ nước biển cho đảo Trường Sa; dự án nghiên cứu động thái vành đai rừng ngập mặn vùng cửa sông Sài Gòn - Đồng Nai và ven biển ĐBSCL …
Đặc biệt, từ năm 2014, Chính phủ đã giao cho ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng chủ trì triển khai đề án “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực.
Đặc trưng tự chủ tài chính
Quỹ phát triển ĐHQG-HCM là mô hình qũy nhằm tìm kiếm các giải pháp tăng nguồn tài chính, góp phần thực hiện tự chủ tài chính cho hệ thống đại học. Theo đó, Quỹ phát triển ĐHQG-HCM kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ từ nhiều phía: người học, cộng đồng doanh nghiệp, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, sự tài trợ của quốc tế.
Tính đến năm 2017, Quỹ Phát triển đã tạo mạng lưới với hơn 35 doanh nghiệp lớn, thành đạt trong xã hội, huy động nguồn thu trên 150 tỷ đồng (trong đó đã tiếp nhận là hơn 120 tỷ đồng, cam kết 30 tỷ đồng) để phục vụ công tác phát triển giáo dục nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng.
Đồng thời, ĐHQG-HCM đã mạnh dạn đăng ký Chính phủ là đơn vị thí điểm triển khai Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính đơn vị sự nghiệp công lập”. Mục tiêu của đề án là đề xuất chính sách, cơ chế đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo, từng bước giảm dần sự hỗ trợ của NSNN trong tổng ngân sách hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập, đa dạng hóa nguồn thu và khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra hướng phát triển của đề án là hướng đến việc đổi mới tài chính đại học và nghiên cứu quá trình tự chủ tài chính theo Nghị định 43, với mô hình thí điểm là Trường Đại học Quốc tế trực thuộc ĐHQG-HCM.
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, ĐHQG-HCM đã triển khai thí điểm “Chương trình đào tạo chất lượng cao với học phí tương ứng” một số chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, khoa học xã hội, kinh tế, luật và công nghệ thông tin tại các trường đại học thành viên. Tương ứng với mức học phí được tính đúng và đủ, chất lượng đào tạo bước đầu được nâng cao và hướng đến chuẩn mực quốc tế. Tính đến tháng 9-2018, ĐHQG-HCM đã phê duyệt triển khai 66 chương trình đào tạo chất lượng cao với học phí tương ứng.
Chương trình này được Bộ GD-ĐT thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đại học. Qua đó, hiệu chỉnh mức thu học phí để bù đắp chi phí đào tạo thường xuyên, đa dạng hóa nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp phần lớn chi phí đào tạo.
Có thể khẳng định ĐHQG-HCM chính là sự vận động tất yếu, là thành quả và kết tinh của nền giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, ĐHQG-HCM là một mô hình mới, mô hình kiểu mẫu cho đô thị đại học và hệ thống đại học nghiên cứu. Qua đó, phản ánh một diện mạo mới, sức sống mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, chủ động vào xu hướng của hệ thống giáo dục đại học quốc tế hôm nay.
PGS.TS NGUYỄN HỘI NGHĨA (Theo SGGP Online)
Hãy là người bình luận đầu tiên