Ngày 4/7, Hội đồng ĐHQG-HCM đã họp kỳ thứ 10 khóa IV tại Bình Thuận. Hội đồng đã nghe báo cáo Sơ kết tình hình hoạt động ĐHQG-HCM 6 tháng đầu năm và Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2020, định hướng kế hoạch hoạt động năm 2021.
Hội đồng đã thông qua Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của các Trường ĐH CNTT, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH Quốc Tế; công nhận Hội đồng Trường của các trường ĐH thành viên. Đặc biệt, Hội đồng cũng đã nhất trí xin chủ trương phát triển Khoa Y thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là thành viên của ĐHQG-HCM.
Mở nhiều ngành đào tạo mới
Theo báo cáo của PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, trong 6 tháng đầu năm ĐHQG-HCM thực hiện thủ tục mở 12 ngành đào tạo bậc đại học mới gồm: vật lý y khoa, công nghệ vật liệu, kỹ thuật địa chất, toán tin, toán ứng dụng, khoa học dữ liệu (Trường ĐH KHTN); ngành tôn giáo học (Trường ĐH KHXH&NV); ngành sư phạm âm nhạc, giáo dục thể chất (Trường ĐH An Giang); ngành y học cổ truyền, điều dưỡng (Khoa Y ĐHQG-HCM).
Ở bậc sau đại học, ĐHQG-HCM mở thêm ba ngành đào tạo thạc sĩ là an toàn thông tin (Trường ĐH CNTT), công nghệ thực phẩm (Trường ĐH An Giang), giáo dục học (Trường ĐH KHXH&NV) và hai ngành đào tạo tiến sĩ là khoa học thư viện (Trường ĐH KHXH&NV) và luật dân sự và tố tụng dân sự (Trường ĐH Kinh tế - Luật). Các chương trình liên kết đào tạo sau đại học được tiếp tục phát triển và mở rộng với đối tác nước ngoài như Pháp, Thụy Sĩ, Úc.
Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM còn chuẩn bị thẩm định 9 chương trình chất lượng cao của các trường thành viên, gia hạn và mở mới các chương trình liên kết với các trường đại học lớn trên thế giới như ĐH Deakin, ĐH Bang New York cơ sở Binghamton, Trường ĐH West of England, Trường ĐH Nottingham, Trường ĐH Macquarie… Nhiều đề án về đào tạo được triển khai như công tác giáo trình, chương trình tài năng, Đề án Giáo dục 4.0, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2080, kiểm định chương trình đào tạo…
Tính đến tháng 5/2020, ĐHQG-HCM đã công bố 1.089 bài báo khoa học; trong đó có 839 bài báo trên các tạp chí quốc tế. ĐHQG-HCM cũng đã đăng ký 458 đơn bảo hộ SHTT, trong đó có 180 đơn đã được cấp bằng độc quyền. Hiện nay, ĐHQG-HCM có 60 bằng độc quyền và là một trong hai đơn vị giáo dục dẫn đầu cả nước về số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.
Khoa Y đủ điều kiện trở thành trường đại học
Sau hơn 10 năm hoạt động, Khoa Y ĐHQG-HCM có 89 giảng viên, 26 chuyên gia đầu ngành kiêm nhiệm và hơn 400 bác sĩ, dược sĩ thỉnh giảng thực hành; đào tạo 1.064 sinh viên thuộc 3 ngành là y khoa, dược học, răng hàm mặt. Khoa Y cũng đang thẩm định mở 2 ngành bậc thạc sĩ và 2 ngành bậc đại học
GS.BS Đặng Vạn Phước - Trưởng Khoa Y, cho biết: “Khoa Y ĐHQG-HCM đã có tên trong danh mục các trường y thế giới trong chuyên trang WDOMs (World Directory of Medical School) và là thành viên của IPSF. Đến nay Khoa Y đã đầy đủ điều kiện để trở thành Trường ĐH thành viên của ĐHQG-HCM”.
Dự kiến, đến năm 2025. Khoa Y sẽ nâng quy mô đào tạo trên 2.600 sinh viên và đến năm 2030 sẽ đào tạo 8 ngành bậc đại học, trong đó có ba ngành mới là dinh dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật y sinh; 16 chuyên ngành bậc thạc sĩ gồm nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, tai - mũi - họng, ung thư, khoa học y sinh.
4 trường thành viên ĐHQG-HCM bắt đầu tự chủ từ năm 2021
Hội đồng ĐHQG-HCM đã thông qua đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học thành viên. Theo đó, từ năm 2021, sẽ có 4 trường tự chủ đảm bảo chi thường xuyên gồm Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc Tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH CNTT.
Các trường tự chủ được tự xác định mức học phí theo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy. Việc áp dụng mức học phí mới phải có lộ trình và được xem xét trên nhiều mặt nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút người học có chất lượng.
Các trường cũng cam kết về đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, số bài báo, đề tài NCKH, thu nhập của giảng viên, viên chức và quỹ hỗ trợ cho người học.
Công nhận hội đồng các trường thành viên Đến tháng 6/2020 ĐHQG-HCM đã có 4 trường thành viên thành lập Hội đồng trường gồm Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH CNTT, Trường ĐH Quốc Tế. Theo quy định mới, Chủ tịch hội đồng trường sẽ không giữ chức vụ quản lý trong nhà trường. Theo Nghị định 99, việc công nhận Hội đồng trường thuộc về thẩm quyền của Hội đồng ĐHQG-HCM. Kết quả 100% thành viên Hội đồng ĐHQG-HCM đồng ý thông qua danh sách Hội đồng trường của các trường và ra quyết nghị công nhận. |
Bài, ảnh: THÁI VIỆT
Hãy là người bình luận đầu tiên