Sáng 21/8, tại Nhà Điều hành ĐHQG, ĐHQG-HCM tiếp đoàn công tác Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (NG&QLCBGD), Bộ GD&ĐT khảo sát về việc xây dựng đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết ĐHQG-HCM quan tâm, triển khai nhiều đề án phát triển năng lực cho cán bộ, giảng viên. Ông đề nghị lãnh đạo các trường thảo luận thẳng thắn, đóng góp ý kiến tâm huyết, giúp đoàn công tác hoàn thiện đề án hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM hiện có hơn 4.300 cán bộ, công chức, viên chức với hơn 2.000 giảng viên cơ hữu được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Do đó, nhu cầu bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ này rất cao.
“Hiện nay, 36% giảng viên ĐHQG-HCM có nhu cầu nâng cao trình độ lên tiến sĩ, 45% giảng viên muốn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy học và phát triển chương trình đào tạo. Về đội ngũ cán bộ, 75% cán bộ đặt yêu cầu nâng cao năng lực quản trị đại học tiên tiến và 44% cán bộ muốn nâng cao năng lực phương pháp dạy học và phát triển chương trình đào tạo. Đây là những nhu cầu xác đáng để phát triển trình độ giảng viên và cán bộ ĐHQG-HCM” - PGS.TS Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh.
Góp ý về đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911), PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho rằng: “Nhà trường không phải lo đào tạo tiến sĩ cho nhân viên của mình. Không một trường đại học nào trên thế giới lại có mô hình đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) cho nhân viên của mình. Chỉ có sinh viên, học viên, NCS mới là đối tượng đào tạo của các trường đại học. Nếu chỉ lo đào tạo tiến sĩ cho các giảng viên, chúng ta sẽ phải thực hiện mãi mãi đề án này, lặp đi lặp lại trong vòng lẩn quẩn”.
Theo PGS.TS Võ Văn Sen, mô hình đào tạo tiến sĩ cho giảng viên được tiến hành tại miền Bắc từ năm 1955. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vẫn duy trì mô hình này “có phần không thỏa đáng”. Ông Sen cho rằng thay vì đào tạo, các trường ĐH ở nước ngoài đều có quy định cụ thể về chức danh, học vị trong quá trình tuyển dụng. Do đó, ông đề nghị cần tập trung xây dựng chế độ đãi ngộ, khuyến khích các giảng viên có trình độ chuyên môn cao về trường tham gia giảng dạy.
TS Nguyễn Hải Thập - Phó cục Trưởng Cục NG&QLCBGD cho rằng Đề án 911 không chỉ tập trung đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên mà còn nhấn mạnh việc các trường khuyến khích đội ngũ giảng viên tự nâng cao năng lực cũng như đãi ngộ các giảng viên giỏi về công tác tại trường.
PGS.TS Lê Quân - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết ông rất chia sẻ ý kiến của PGS.TS Võ Văn Sen. Ông Quân cho rằng, việc đào tạo và khuyến khích, đãi ngộ giảng viên đều quan trọng như nhau. “Chúng ta không chỉ gửi giảng viên ra nước ngoài theo học chương trình NCS mà còn phải tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo cho tương xứng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, một số quy định tại Nghị định 08 về đào tạo NCS đối với người hướng dẫn và NCS áp dụng vào năm 2019 còn nhiều bất cập. “Tôi cho rằng bộ cần rà soát lại về yêu cầu công bố bài báo quốc tế đối với người hướng dẫn và NCS. Các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều có những yêu cầu, đặc trưng rất khác biệt. Việc áp đặt chung các chỉ tiêu về công bố quốc tế này sẽ tạo ra những khủng hoảng nhất định, làm gián đoạn quá trình đào tạo NCS”.
Đoàn công tác còn lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các trường thành viên ĐHQG-HCM về đánh giá tài chính, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, chế độ đãi ngộ đối với người được cử đi đào tạo NCS ở nước ngoài, cơ chế về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực tại trường…
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - phát biểu tại buổi làm việc.
TS Nguyễn Hải Thập phát biểu tổng kết tại buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên