Sáng 17/4, ĐHQG-HCM tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (Ủy ban) khảo sát về việc thực hiện chính sách, Luật Giáo dục Đại học. Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban cho biết chuyến khảo sát của đoàn nhằm tiếp thu những kiến nghị của ĐHQG-HCM về việc triển khai, thực hiện Luật Giáo dục Đại học và cơ chế tự chủ đại học. Theo đó, Ủy ban sẽ trình Thường vụ Quốc hội xem xét, kết hợp Dự thảo sửa đổi, bổ sung các bộ luật hiện hành mà Chính phủ đã trình trước đó để triển khai vào năm 2018.
Theo TS Nguyễn Đình Tứ - Phó Chánh văn phòng ĐHQG-HCM, hiện nay ĐHQG-HCM còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Luật giáo dục Đại học do tính chất đặc thù của mình. ĐHQG-HCM trực tiếp quản lý các trường thành viên nhưng không có vai trò, chức năng như Bộ GD&ĐT hay cơ quan ngang bộ. Thậm chí, trong hầu hết văn bản của Nhà nước, ĐHQG-HCM phải thi hành nhưng lại không được nêu rõ tên trong phạm vi điều chỉnh hay đối tượng áp dụng… dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai.
Về việc thực hiện tự chủ đại học, TS Nguyễn Đình Tứ cho rằng vẫn còn khoảng cách giữa quy định Nhà nước và thực tiễn triển khai.
“Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp (chế độ học phí, lệ phí…) cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành đã lạc hậu hoặc còn thiếu (định mức theo giờ giảng, định mức biên chế theo, theo ngành nghề…) chưa được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời, nên hạn chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập” - TS Nguyễn Đình Tứ cho biết.
Ông Phan Thanh Bình cho rằng hai nhân tố quan trọng trong tự chủ ĐH là hội đồng trường và tự chủ về tài chính.
“Để giảm bớt quản lý Nhà nước, hội đồng trường nhất quyết phải thể hiện vai trò quyền lực thực sự thay vì chỉ đóng vai trò tư vấn như trước đây. Về tự chủ tài chính, quan điểm của Ủy ban là đặt tự chủ ĐH lên trước và tự chủ tài chính chỉ là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy tự chủ đại học” - ông Bình nhận định.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: “Nếu hội đồng trường không có cơ chế tự quyết về nhân sự, tổ chức nhân sự thì hội đồng trường khó mà có thực quyền. Còn về tự chủ tài chính, hiện nay các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều sẵn sàng tự chủ hoàn toàn, đặc biệt là vấn đề chi thường xuyên. Còn về các dự án, quy hoạch đầu tư phát triển mang tầm chiến lược vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Sau buổi làm việc, đoàn đại biểu Ủy ban sẽ khảo sát tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên