Đó là một trong những kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc trong Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026 giữa ĐHQG-HCM và tỉnh này, được tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh, ngày 25/8. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đã đến dự.
Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và ĐHQG-HCM nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQG-HCM trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Sản xuất phân bón từ tro trấu
Báo cáo tổng kết chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2022, ông Võ Hồng Sang - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết hai đơn vị đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, khoa học - công nghệ; văn hóa, thể thao - du lịch; giáo dục…
Đặc biệt, đối với nguồn nhân lực ngành y, Sở Y tế và Khoa Y ĐHQG-HCM đã đào tạo hệ đại học chính quy cho 40 sinh viên/năm theo Chương trình đào tạo nguồn nhân lực kinh tế trọng điểm giai đoạn 2018-2020 và xét cử 96 sinh viên theo học tại Khoa Y từ 2018-2022. Riêng năm 2022, tỉnh đã xét cử 30 sinh viên và đang hoàn tất thủ tục nhập học.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh phối hợp Trường ĐH Bách Khoa thực hiện nhiều đề tài quan trọng, như “Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu”.
“Từ đề tài này, tỉnh đã xây dựng được quy trình xử lý tro trấu, quy trình sản xuất phân bón NPK-10% silica từ tro trấu và thiết kế thiết bị ép hạt tạo phân theo phương pháp không nhiệt. Trung tâm KH&CN của tỉnh đã sản xuất thành công phân bón theo phương pháp này cho 150m2 hành lá tại Trại thực nghiệm KH&CN cùng 4.000m2 lúa nước tại phường 1, TP Tây Ninh” - ông Võ Hồng Sang nhấn mạnh.
Ông Sang lưu ý, phương pháp này đã giúp người nông dân tận dụng tối đa nguồn dư thừa tro trấu tại địa phương để tạo phân bón giàu silica, làm cây trồng cứng cáp, giảm thiểu sự thoát hơi nước, tăng cường khả năng chống chịu thời tiết…
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Trường ĐH Bách Khoa đã thí điểm phần mềm AI phân tích hình ảnh camera tại Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung của tỉnh nhằm quản lý camera ở Bộ phận Một cửa các cấp, camera giao thông của công an TP Tây Ninh...
Trường ĐH KHXH&NV phối hợp UBND huyện Dương Minh Châu xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị nuôi bò cho nạn nhân chất độc màu da cam, thuộc dự án giảm nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh còn cho biết, trong năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ hơn 8,2 tỷ đồng cho Ký túc xá ĐHQG-HCM để tân trang nội thất tại các phòng của sinh viên.
Ưu tiên đào tạo nhân lực y tế, giáo dục
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Tây Ninh và ĐHQG-HCM đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, biên bản này gồm 4 nội dung liên quan hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nhân lực; các chương trình, đề tài nghiên cứu KH&CN liên quan chuyển đổi số, nông thôn thông minh, phát triển du lịch…; tư vấn góp ý phản biện chính sách kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội cho Tây Ninh theo đặt hàng của tỉnh.
Các đại biểu của hai đơn vị đã có nhiều thảo luận sôi nổi về chương trình hợp tác cụ thể dựa trên 4 nội dung cơ bản này.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, cho biết trong giai đoạn trước, trường vẫn chưa có nhiều cơ hội hợp tác cùng tỉnh nên ông hy vọng trong giai đoạn mới, trường có thể hỗ trợ tỉnh trên hai lĩnh vực. Trước nhất là tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng hành chính ngắn hạn, như nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ các cấp của tỉnh; phối hợp chính quyền phường, xã nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng.
Đồng thời, với thế mạnh tư vấn, phản biện chính sách, Trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tham gia tư vấn, tham mưu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Tây Ninh.
Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, trường ĐH này tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu theo định hướng đặt hàng của Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh liên quan hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà màng; Thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu, bón phân trên diện rộng; Thiết kế và chế tạo máy ép phân; Chế tạo cân tinh bột điện tử; Giám sát môi trường…
Về việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế của Tây Ninh, PGS.TS Lê Văn Quang - Phó Trưởng khoa phụ trách ngành Y, Khoa Y ĐHQG-HCM, đề nghị được tiếp tục triển khai đào tạo năm học 2022-2023 theo kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ xây dựng đơn nguyên thực hành tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cũng như tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên của tỉnh Tây Ninh.
Khoa Y ĐHQG-HCM sẽ mời chuyên gia tham gia các Hội đồng KH&CN, Hội thảo KH&CN về lĩnh vực Khoa học Sức khỏe. Đặc biệt là trao đổi thông tin KH&CN, cụ thể là những kết quả nghiên cứu và công nghệ tiên tiến của Khoa Y và tỉnh Tây Ninh về Khoa học Sức khỏe.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, 4 nội dung ký kết trên sẽ được tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch hằng năm. Tây Ninh sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế và giáo dục vì đây là hai lĩnh vực thiếu hụt nhân lực nhất của tỉnh.
“Chúng tôi không tham vọng đào tạo nhân lực cho tất cả ngành trong một năm. Đối với ngành y tế, chúng tôi thiếu hụt nhân lực rất trầm trọng, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Tương tự ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo là đội ngũ giáo viên của ngành mầm non. Chúng tôi mong rằng với thế mạnh và uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của mình, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho những lĩnh vực này. Cứ mỗi năm hai bên sẽ ngồi lại đánh giá, bổ sung những phát sinh” - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị.
Ông cho biết thêm, hiện Tây Ninh đang rất cần sự hỗ trợ về phân tích, đánh giá, phản biện các chính sách kinh tế - xã hội hằng năm “chứ không phải 5 năm, 10 năm”.
“Dữ liệu của các nhà khoa học tại ĐHQG-HCM sẽ đảm bảo tính khách quan, khoa học về thực trạng kinh tế - xã hội của Tây Ninh. Thậm chí, nếu được, tôi mong có thể đánh giá 6 tháng/lần. Điều này sẽ giúp chúng tôi nhận diện các điểm nghẽn của Tây Ninh để có thể xây dựng các chính sách tập trung, mang tính đột phá chiến lược cho tỉnh” - Ông Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ kỳ vọng.
Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết sau khi ký kết đến tháng 10, ĐHQG-HCM phải tổ chức tọa đàm hoặc hội nghị để tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo ngành y giữa Sở Y tế của tỉnh và Khoa Y ĐHQG-HCM.
“Từ năm nay, ĐHQG-HCM đã tuyển sinh ngành điều dưỡng. Tôi tin rằng Khoa Y có thể hỗ trợ tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực đang thiếu hụt của Tây Ninh ở lĩnh vực này” - Giám đốc ĐHQG-HCM nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị hai bên cần xây dựng chương trình KH&CN chung để có thể nắm bắt bài toán tổng thể của tỉnh chứ không đi vào từng lĩnh vực rời rạc. Chẳng hạn, về du lịch hay nông nghiệp, dữ liệu, kinh phí hợp tác nghiên cứu không chỉ từ Sở KH&CN mà còn sự cộng tác của các sở liên quan. Phát triển nông nghiệp thông minh cần sự hợp tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm du lịch cần Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngồi lại. Như vậy mới mang tính chất dài hơi và đảm bảo chiều sâu.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên