Từ khi thành lập đến nay, hai ĐHQG đã phát triển không ngừng, từng bước khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Để hiểu rõ hơn quan điểm của Chính phủ về vai trò và vị trí chiến lược của các ĐHQG, chúng tôi đã trao đổi cùng GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1987-1990), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990-1997) về vấn đề này.
* Thưa Giáo sư, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn nào mà Chính phủ, cụ thể là Bộ GD&ĐT hình thành ý tưởng thành lập hệ thống ĐHQG, trong đó có ĐHQG-HCM?
- Sau Đại hội VI, nền kinh tế nước ta bắt đầu có những đổi mới. Dù thực tế lực lượng lao động nước ta lúc ấy chưa phải là đã cạn nhưng dự báo tương lai sẽ thiếu, nhất là lực lượng lao động có trình độ cao. Bài học kinh nghiệm trên thế giới đều cho thấy: giáo dục mà trước hết là giáo dục đại học là một trong những giải pháp mang tính động lực để phát triển. Nhận ra nhu cầu bức xúc cần phát triển giáo dục đại học, đặc biệt giáo dục có chất lượng cao nhưng sức lực hiện tại chưa cho phép chúng ta nâng toàn bộ mặt bằng đại học lên đượ; vì vậy Chính phủ cho rằng, cần có những trọng điểm, những quả đấm, những đột phá. Từ đó nảy sinh ý tưởng phải có những trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, những mô hình ĐHQG.
* Giáo sư có thể nói thêm về quá trình hình thành mô hình ĐHQG mà vào thời điểm đó hãy còn quá mới mẻ đối với Việt Nam?
- Về điều này không thể không nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Dĩ nhiên, ý tưởng hình thành ĐHQG xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên nhưng người đề ra chủ trương lớn rất tâm huyết và muốn làm tới nơi tới chốn là cố Thủ tướng. Mục tiêu đã rõ ràng rồi, nhưng loại hình gì, mô hình thế nào, đi bằng con đường nào thì còn nhiều tranh luận. Cố Thủ tướng kết luận: cứ thống nhất quyết tâm xây dựng ĐHQG trước, còn những vấn đề tồn tại sẽ tìm cách giải quyết trong quá trình xây dựng đề án.
ĐHQG là một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhưng mô hình cần lựa chọn là gì? Bộ GD&ĐT xác định đó là mô hình đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng ĐHQG là một hệ thống trong đó các trường thành viên quan hệ hữu cơ với nhau hay là chuyển hóa hoàn toàn thành một trường duy nhất? Bằng con đường nào để tiến lên mô hình đó? Có ba phương án để lựa chọn: thành lập mới hoàn toàn, hoặc từ một trường phát triển lên hoặc là nhập nhiều trường lại. Cả ba phương án đều có những điểm mạnh và hạn chế riêng, chỉ giống nhau một điều là đòi hỏi tập trung đầu tư lớn. Phương án thành lập mới cho phép đúng với mô hình, không bị lệ thuộc những cái có sẵn nhưng lại đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian lâu và đặc biệt phải tổ chức được đội ngũ hoàn toàn mới. Phương án từ một trường phát triển lên thì nhanh nhưng dễ xa rời mục tiêu chiến lược vì các trường có sẵn đều là trường đơn lĩnh vực. Phương án nhập nhiều trường sẽ sớm hình thành diện mạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng toàn bộ thiết kế phải quan tâm vì nó dựa trên quá khứ, cái có sẵn, và việc giải quyết các vấn đề nội bộ đòi hỏi nhiều thời gian. Cuối cùng, chúng ta chọn phương án thứ ba.
* Từ khi thành lập đến nay, ĐHQG đã trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có thời điểm rơi vào khủng hoảng. Với tư cách là người quản lý, Bộ chủ quản, Giáo sư đánh giá thế nào về sự khủng hoảng này?
- Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mà chúng ta tạm gọi là khủng hoảng của ĐHQG-HCM trong giai đoạn 1995-2000.
Thứ nhất, quan niệm về mô hình ĐHQG lúc này chưa rõ, chưa có kết luận thống nhất. Ngay bản thân tôi ban đầu cũng dự định sau khi thành lập, các trường sẽ hóa thân thành một chỉnh thể duy nhất. Nhưng qua thực tiễn thì thấy rất khó, dần dần đi tới mô hình một ĐHQG có các trường thành viên thuộc những lĩnh vực khác nhau. Thực tế này đòi hỏi ĐHQG cần có thời gian để hợp lý hóa các lĩnh vực trùng lặp.
Thứ hai, quyết tâm đầu tư của Nhà nước cho ĐHQG lúc đó chưa đủ mạnh (ngân sách chưa cao, cơ chế chưa có, nhất là cơ chế về quyền tự chủ). Tôi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã cảnh báo: Nếu cứ kéo dài tình trạng đầu tư thế thì ĐHQG không thể phát triển được và nguy cơ tan rã là thấy rõ.
Đến năm 2001, Hội đồng Giáo dục Quốc gia được triệu tập. Hội nghị đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có vấn đề xây dựng quy chế ĐHQG ngang cấp Bộ. Cũng tại Hội nghị, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị thành lập nhóm ba người, trong đó có tôi, rà soát lại mô hình của hai ĐHQG. Thực tế cho thấy quy mô ĐHQG-HCM to quá, một phần vì Chính phủ không đầu tư lớn nên các trường thành viên không thấy được quyền lợi khi gia nhập ĐHQG. Và Chính phủ đã chấp thuận nên ĐHQG mới có quy mô như hiện nay.
* Giáo sư có nhận xét, đánh giá gì về vai trò của hai ĐHQG trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam?
- Chính phủ kỳ vọng rất lớn vào hai ĐHQG với vai trò là hai trung tâm đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học mạnh, là hai đầu tàu của đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Nhưng để thực hiện được sứ mệnh này, đòi hỏi hai ĐHQG trước hết phải có đội ngũ mạnh, cơ sở vật chất đảm bảo, cơ chế quản lý thích hợp và chương trình đào tạo tiên tiến.
Có thể nói hai ĐHQG đã có rất nhiều cố gắng, đặc biệt trong bối cảnh không phải ai cũng ủng hộ, thừa nhận vai trò của hai ĐHQG. Hai ĐHQG đạt được vị trí và sự ổn định như hiện tại là rất tốt, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng của xã hội.
* Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Giáo sư đề xuất ý tưởng nâng cao vai trò của ĐHQG bằng cách ĐHQG phải được chính danh trong Luật Giáo dục. Vì sao giáo sư lại có ý tưởng như vậy?
- Hiện nay, trong Luật Giáo dục bổ sung, sửa đổi 2005 chỉ có một khái niệm duy nhất là trường đại học. Nhưng không phải loại hình đại học nào cũng là trường đại học. Các viện, các trường đa ngành, đa lĩnh vực phải có tên của nó. Đặc biệt ĐHQG phải được xác định ngay trong Luật Giáo dục. Nếu không sẽ cứ mãi có những ý kiến kiểu: lúc thì ĐHQG nên trở về trực thuộc Bộ, lúc thì nói nên để Thủ tướng quản lý, lúc thì coi như một trường, lúc thì coi như một tập hợp, lúc thì các trường thành viên được coi như ngang các trường đại học khác (mà đương nhiên phải như thế), lúc thì coi thuộc cấp hai… Tất cả cho thấy nếu không được chính danh trong luật thì rất khó, không cụ thể hóa thành cơ chế và từ đó dẫn đến rất nhiều rắc rối, trở ngại, tạo ra sự thiếu ổn định trong việc phát triển ĐHQG cũng như sự không yên tâm của các trường đại học thành viên.
* Theo Giáo sư, điểm mạnh và điểm yếu của ĐHQG-HCM hiện nay là gì?
- Ưu điểm dễ thấy của ĐHQG-HCM là tính chất cực kỳ năng động, mạnh dạn tư duy những vấn đề chiến lược về bản thân và cũng như cục diện chung của ngành giáo dục. ĐHQG-HCM đã vươn ảnh hưởng đến cả nước, nhưng thế mạnh này chỉ mới là bước đầu; cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa, đừng dừng lại trong phạm vi TP.HCM hay khu vực miền Đông Nam bộ.
Một trong những trọng điểm mà ĐHQG-HCM nên làm là đầu tư nhiều hơn cho khoa học xã hội, vì đó là những vấn đề không ai làm thay cho chúng ta được, vì những vấn đề khoa học xã hội vốn mang tầm chiến lược quốc gia. ĐHQG-HCM chưa làm được điều này một phần là do đội ngũ còn quá mỏng và yếu, chưa được đầu tư nhiều.
Tôi đề cập điều này vì xét về logic nhận thức, những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn là những vấn đề mang tính đặc thù của từng dân tộc nên không thể kế thừa hoàn toàn, triệt để từ các thành tựu của thế giới như khoa học tự nhiên hay công nghệ. Đã đến lúc những vấn đề mang tầm chiến lược trong tư duy xã hội - nhân văn sẽ quyết định thắng lợi. Trên thế giới, nhiều nước đã nhận thức rất sớm vấn đề này nhưng ta thì chưa, cụ thể là ngay trong tuyển sinh, có rất nhiều học sinh chọn lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Thực tế xã hội Việt Nam hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, văn hóa nhức nhối… ĐHQG-HCM phải đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phải trở thành một trung tâm nghiên cứu về chiến lược, một diễn đàn để các chính khách lớn trên thế giới đến phát biểu về chiến lược.
* Là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục lâu năm, theo Giáo sư, Nhà nước cần làm gì để giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học có thể bắt kịp với trình độ của thế giới?
- Một trong những điểm cần đột phá của giáo dục đại học Việt Nam là phải đổi mới tư duy quản lý theo hướng trao cho các trường quyền tự chủ cao, xây dựng hành lang pháp lý rộng. Nói như thế không có nghĩa là chỉ có mở mà còn phải được quản lý chặt. Chặt nhưng không phải là cầm tay chỉ việc, can thiệp vào công việc cụ thể của các trường. Đây là hai khía cạnh chúng ta đều kém: giao tự chủ cũng kém mà xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cũng kém. Nhưng xu thế gần đây cho thấy Bộ GD&ĐT đang quản lý chặt theo lối cầm tay chỉ việc, ví dụ việc quyết định chỉ tiêu, thi ba chung, điểm sàn, nội dung chương trình…
* Giáo sư không tán đồng việc Bộ GD&ĐT quy định nội dung chương trình các trường. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn?
- Chúng ta đề cập mục tiêu đào tạo với mô hình nhân cách gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhà trường hiện tại chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng có nhưng không đáng kể. Trong khi thực tế cho thấy, ở một người thành đạt, kiến thức chỉ tác động 4%, 26% là kỹ năng và 70% là thái độ. Một trung tâm đào tạo lớn như ĐHQG cần thảo luận triết lý này và bắt tay xây dựng lại chương trình trên cơ sở tiếp thu tất cả tinh hoa của thế giới và cụ thể hóa vào Việt Nam. Tại sao ta cứ phải ràng buộc vào khung chương trình của Bộ GD&ĐT suốt nhiều năm nay. Một chương trình khung được xây dựng rất lâu (thường mất 7- 8 năm) mới thống nhất. Chưa kể tư duy hội đồng biên soạn chương trình đó có tiên tiến hay không? Mà dù tư duy hội đồng đó có tiên tiến thì vài năm sau chương trình cũng sẽ lạc hậu, lại phải thay đổi. Chương trình không thể cố định. Chương trình khung cũng là một biểu hiện yếu kém trong quản lý, làm hạn chế rất lớn các trường đại học.
* ĐHQG-HCM sắp kỷ niệm 15 năm thành lập. Giáo sư có tâm sự điều gì với giảng viên và sinh viên ĐHQG?
- 15 năm là ngắn so với sứ mệnh to lớn của ĐHQG-HCM. Tôi hy vọng vào ĐHQG-HCM. Hy vọng khi kỷ niệm 25 năm, 30 năm, ĐHQG-HCM sẽ đạt được những thành tích xuất sắc hơn. Những trở ngại chưa phải đã hết nhưng đứng vững được 15 năm rồi thì ĐHQG-HCM cần tự tin, giải quyết dứt điểm những tồn tại để tập trung phát triển, ngày càng xứng tầm mong đợi của xã hội.
DUY PHÚC - NGUYỄN HÀ thực hiện
(Theo Kỷ yếu ĐHQG-HCM: 15 năm xây dựng và Phát triển)
Hãy là người bình luận đầu tiên