Những người trẻ ngồi lại với nhau, cùng thảo luận, đề xuất dự án, tìm hướng giải quyết cho các vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay như kinh tế, văn hóa, môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới… Đó là mô hình diễn đàn dành cho thanh niên Việt Nam mà nhiều sinh viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã tham gia trong thời gian qua.
Đến diễn đàn, thay đổi bản thân
Phạm Hồng Thiên Trang (sinh viên năm II, Khoa Báo chí và Truyền thông) tham gia Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững (VYS) chia sẻ: “Mình viết đơn cho VYS với hy vọng được đi Hội An, bỏ lại những ngày mệt mỏi của kỳ thi đại học. Và may mắn đã mỉm cười khi mình được chọn cùng ăn, ở, học tập với 45 bạn từ ba miền đất nước. Thời gian đó đã thay đổi mình rất nhiều”.
Thiên Trang cho biết VYS mang lại nhiều kiến thức bổ ích, và đặc biệt chính diễn đàn này đã “tưới mát tâm hồn”, giúp Trang và các bạn tham gia bớt hoài nghi về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. “Giữa một xã hội mà ngày nào cũng thấy những tin tức cướp, giết, hiếp khiến mình nhiều khi đánh mất niềm tin. Nhưng ở VYS mình cảm nhận được sự ấm áp và chân thành. Điều này giúp mình tin rằng cuộc sống vẫn luôn có những con người tuyệt vời sẵn sàng đồng hành cùng bạn với trái tim nồng ấm nhất” - Trang tâm sự.
Với Thiên Trang, tham gia diễn đàn thanh niên còn là dịp để thay đổi cách nhìn nhận trước một vấn đề. Trước khi tham gia VYS, Trang không quan tâm lắm đến môi trường. Nhưng khi vào VYS, Trang được học cách để sống xanh, để giảm bớt áp lực lên môi trường... Những điều mà mỗi chúng ta vẫn thường thờ ơ, hoặc đang loay hoay tìm hướng đi.
Chàng trai người dân tộc Ê Đê Võ Tiến Tuấn Niê (sinh viên năm IV, Khoa Quan hệ Quốc tế) lại chọn cho mình Diễn đàn Tuổi trẻ Tây nguyên (TNYS) và mang những màu sắc văn hóa dân tộc đến với diễn đàn này.
Tuấn Niê chia sẻ: “Là một người con Tây nguyên, mình mong muốn có thêm những thông tin về quê hương và tiếp xúc với các bạn trẻ khác để có thêm góc nhìn mới về thế hệ sau. Tham gia diễn đàn, mình có cơ hội giới thiệu dự án Finding Niê để kể mọi người nghe về văn hóa của đồng bào mình”.
Tuấn Niê cho biết thêm, việc tham gia diễn đàn thanh niên mang lại nhiều bài học qua các hoạt động quan sát thực tế và thảo luận. Ví dụ Tuấn Niê học được phương pháp trồng rau hữu cơ, rau thủy canh… và sẽ áp dụng những phương pháp này trên chính quê hương mình.
Làm những điều chưa từng làm
Nguyễn Vĩnh Công (sinh viên năm IV, Khoa Xã hội học) - người vừa tham gia diễn đàn Thu hẹp khoảng cách (diễn đàn hướng đến mục tiêu đấu tranh rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, loại bỏ bất bình đẳng, cải thiện đời sống xã hội) có những chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn thanh niên: “Về phía ban tổ chức, việc đầu tiên mình và những cộng sự khác là chuyên nghiệp hóa các chương trình diễn đàn để nó đồng đều về chất lượng qua các năm”.
Vĩnh Công cho biết, những người tổ chức diễn đàn phải là những người không ngừng học hỏi và kết nối tốt với các nguồn lực để phát triển chương trình cũng như thúc đẩy được thành viên sau đó. “Những người tổ chức phải thay phiên nhau đi học hỏi các diễn đàn trong và ngoài nước, thậm chí du học để tìm cái mới, phương pháp mới mang về phát triển diễn đàn của mình. Về phía các thành viên phải luôn trong tâm thế đi học hỏi hơn là trải nghiệm. Chúng ta phải làm những điều mình chưa từng làm để nhận những điều chưa từng nhận” - Vĩnh Công nhấn mạnh.
Nói về tiềm năng phát triển của diễn đàn trong tương lai, Vĩnh Công cho biết: “Sau nhiều năm hoạt động, mô hình diễn đàn thanh niên ở Việt Nam đang có những thay đổi về thời gian, đối tượng, quy mô và chất lượng. Nếu như trước đây, các diễn đàn thanh niên chỉ mang tính cục bộ, theo phong trào và dường như chỉ tập trung vào hình thức hơn là chất lượng thì bây giờ các diễn đàn đã mang tính thực tế nhiều hơn, thành viên được trải nghiệm nhiều hơn là ngồi trong phòng và học kỹ năng đơn thuần nào đó”.
Bài, ảnh: ANH THY
Hãy là người bình luận đầu tiên