Thông cáo báo chí

Đô thị ĐHQG-HCM - Mô hình đô thị đại học kiểu mẫu

  • 31/01/2018
  • Đô thị ĐH là mô hình phát triển cao của nền giáo dục đại học trên thế giới. Đến nay, theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, ĐHQG-HCM đã triển khai bước đầu thành công dự án đô thị ĐH đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành “Khu đô thị ĐH- Thành phố khoa học” như chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 do ĐHQG-HCM đề ra, vẫn còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc và đề ra định hướng phát triển phù hợp.

    Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Mai Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu Đô thị ĐHQG-HCM về dự án xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM.

    * Tầm nhìn và sứ mạng của ĐHQG-HCM là xây dựng hệ thống ĐH tốp đầu châu Á và là khu đô thị ĐH kiểu mẫu. Thưa ông, thế nào là một đô thị ĐH kiểu mẫu?

        - Các trường đại học hiện nay ngày càng mở rộng về quy mô, chưa kể tới xu hướng liên kết, sáp nhập giữa các trường tạo thành những cụm đại học có diện tích tương đương như một thị trấn. Theo đó, khái niệm đô thị đại học ra đời. Đô thị đại học được định nghĩa là một cộng đồng hoàn chỉnh xung quanh trường đại học, với quy mô dân cư từ 5 - 10 vạn người, đảm bảo môi trường học tập - nghiên cứu tốt cho sinh viên, có chỗ ăn ở, phương tiện giao thông thuận tiện... Chẳng hạn, các khu đô thị đại học Bologna của Ý, Cambridge và Oxford của Vương quốc Anh...

        Trên thực tế, nhiều khái niệm tương tự đô thị đại học được sử dụng như thành phố đại học, thị trấn đại học, khu đại học, cộng đồng đại học... Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có “Làng Đại học” ở Thủ Đức. Tất cả đều có đặc điểm chung về cấu trúc gồm hạt nhân trung tâm là các trường đại học và các khu chức năng tổng hợp phục vụ cho cộng đồng đô thị đại học đó cùng hệ môi trường sinh thái tương ứng.

        Chức năng chính của đô thị đại học là cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở an sinh xã hội và hậu cần, theo một cơ chế quản lý nhất định để điều hành và quản lý các thành phần trong khu vực. Có thể nói đô thị đại học có đặc trưng riêng, đòi hỏi nhiều yêu cầu phức tạp từ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cho đến vận hành và quản lý.

        ĐHQG-HCM được công nhận là khu đô thị ĐH đầu tiên của cả nước, hội tụ những đặc điểm cơ bản của mô hình đô thị ĐH quốc tế như tôi vừa nêu trên.

    * Viễn cảnh của Khu Đô thị ĐHQG-HCM như thế nào, thưa ông?

        - Khu Đô thị ĐHQG-HCM sau khi hoàn thành sẽ gồm năm khu chức năng lớn: khu hành chính và dịch vụ; khu đào tạo; khu viện nghiên cứu - chuyển giao công nghệ bao gồm khu phần mềm, công viên khoa học; khu ký túc xá (quy mô 50.000 chỗ ở) và khu thể dục thể thao. Trong đó hai khu chuyển giao công nghệ được quy hoạch nằm vị trí mặt tiền tiếp giáp với địa phương, hướng đến việc triển khai ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng. Khu chuyển giao thứ nhất hướng về phía Khu Công nghệ cao TP.HCM, khu thứ hai tỏa về phía Bình Dương - Đồng Nai.

        Bên cạnh đó, hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm, trung tâm thể dục thể thao, nhà ăn sinh viên, cửa hàng tiện ích đều nằm trong một mạng lưới quản lý thống nhất, thông qua dịch vụ “một thẻ”, giúp sinh viên và nhân viên có thể sử dụng chung tất cả cơ sở và dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp và lãng phí tài nguyên.

        Về mặt cấu trúc không gian, đó sẽ là một khu đô thị hỗn hợp theo kiểu mô hình xếp cặp nhiều lớp không gian: Khu nhà ở - Khu thương mại - Khu học tập và nghiên cứu - Không gian mở, tạo nên tính hỗn hợp trong các hoạt động học tập, làm việc và cuộc sống. Hình thức đan xen chức năng này đem lại cho khu đô thị đại học một phong cách tiếp cận mới đa dạng hơn, đồng thời đảm bảo đáp ứng đầy đủ các dịch vụ và thương mại cần thiết.

        Các cụm trường đại học được quy hoạch theo một cấu trúc thống nhất và đồng dạng, mô hình hạt nhân ở trung tâm, cơ sở đào tạo phân tán xung quanh. Theo đó, trung tâm của đô thị sẽ truyền năng lượng và cảm hứng cho các cụm trường, rồi lan tỏa tới các trung tâm, viện… Cuộc sống đô thị và cuộc sống trong mỗi khu trường đại học tương tác, hỗ trợ nhau và cùng liên kết tạo thành một cấu trúc thống nhất. Đây chính là điểm nhấn của khu đô thị ĐH tương lai.

    * Để xây dựng một khu đô thị ĐH kiểu mẫu như trên hẳn ĐHQG-HCM gặp không ít khó khăn?

        - Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguồn vốn cho công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (BTGPMB). Hiện nay, vốn cấp cho công tác BTGPMB chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc giao vốn hằng năm chậm gây bị động trong công tác chi trả. Kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí cho dự án đầu tư xây dựng ĐHQG-HCM đến năm 2017 là 4.860,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho công tác BTGPMB và tái định cư là 1.631,5 tỷ đồng, chiếm 33,57% ngân sách đầu tư.

        Bên cạnh đó, nhân sự của TP.HCM và tỉnh Bình Dương hỗ trợ cho Khu đô thị ĐHQG-HCM thực hiện công tác BTGPMB vẫn còn mỏng. Tính đến tháng 6/2017, diện tích đất đã thu hồi cho ĐHQG-HCM là 465,42ha, đạt 72,3% tổng diện tích đất quy hoạch cho dự án. Riêng khu vực Thủ Đức, diện tích đất đã thu hồi là 85,85ha/121,7ha, đạt 70,5%. Ngoài ra, diện tích đất sàn được ĐHQG-HCM xây dựng đến nay là 831.726m2, đạt 32,12% diện tích sàn xây dựng theo quy hoạch điều chỉnh. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có quỹ nhà tái định cư cho công tác BTGPMB tại địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức.

        Do đó, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại ĐHQG-HCM vào tháng 10 năm nay, lãnh đạo của ĐHQG-HCM đã kiến nghị Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác tái định cư và BTGPMB như đã nêu trên.

        ĐHQG-HCM sẽ phấn đấu đến hết năm 2018 hoàn thành công tác BTGPMB.

    Cảnh quan đường trục chính số 7 trong Khu đô thị ĐHQG-HCM.


    * Đánh giá về không gian kiến trúc Khu Đô thị ĐHQG-HCM hiện nay, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đô thị đại học này còn khá nhiều điều bất cập. Ông bình luận gì về ý kiến trên?

        - Nhận định này của chuyên gia hoàn toàn khách quan và có phần gợi mở hướng phát triển tổng quan về kiến trúc và quy hoạch cho Khu Đô thị ĐHQG-HCM. Hiện nay, khu đô thị ĐH chưa hoàn chỉnh về giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, người dân còn sống xen kẽ. Do đó, việc thiết lập hàng rào là cần thiết. ĐHQG-HCM đã định hướng các đơn vị không xây hàng rào mà làm hàng rào kết hợp cảnh quan như cây xanh, dây leo… sao cho phù hợp với thiên nhiên và hài hòa với kiến trúc, quy hoạch của địa phương.

        Theo quy hoạch và thực tế đã triển khai, Khu Đô thị ĐHQG-HCM đã xây dựng nhiều công trình dùng chung nhằm tiết kiệm trong đầu tư xây dựng như: phòng thí nghiệm, ký túc xá sinh viên, nhà khách, nhà công vụ, khu thể dục, thể thao, nhà văn hóa sinh viên và các loại hình dịch vụ. Do đó, các trường thành viên và đơn vị trực thuộc bước đầu đã có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, thể hiện sức mạnh hệ thống.

    * Ông cho biết dự án xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM khi nào sẽ hoàn thành?

        - Thời gian hoàn thành khi nào còn phụ thuộc vào nguồn vốn Chính phủ cấp hằng năm cho công tác BTGPMB, xây dựng cơ bản và sự đầu tư của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM cũng như các công trình xã hội hóa.

        Trong chiến lược giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đặt ra mục tiêu hoàn thành công tác BTGPMB. Tuy nhiên, để đạt được điều này, phải có sự hỗ trợ rất lớn của các địa phương (tỉnh Bình Dương và TP.HCM) và ĐHQG-HCM phải tranh thủ được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành ở trung ương. Do đó, giai đoạn này ĐHQG-HCM đang phấn đấu hoàn thành công tác BTGPMB, để tạo tiền đề cho xây dựng và kêu gọi đầu tư. Giai đoạn tiếp theo, ĐHQG-HCM sẽ xây dựng các tiêu chí khu đô thị thông minh.

    PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM: Trung tâm dịch vụ trí tuệ của vùng kinh tế trọng điểm   

    Một đơn vị đại học đóng ở địa phương, chắc chắn sẽ có những tương tác xã hội và chịu ảnh hưởng của bản sắc văn hóa địa phương đó. Chẳng hạn ĐHQG-HCM, nằm ở vị trí đặc thù, giữa TP.HCM, Đông Nam bộ và ĐBSCL sẽ có một vai trò và tương tác mạnh mẽ với cả ba vùng tiếp cận đó. Hình dung trong tương lai, một khu đô thị đại học 60.000 sinh viên, cộng thêm 10.000 người phục vụ và thầy cô giáo, tạo ra một trung tâm dịch vụ trí tuệ, cộng đồng giữa một vùng kinh tế trọng điểm và năng động của cả nước thì hiệu quả tương tác sẽ quan trọng như thế nào. Trên tư duy đó, chúng tôi đã kiến nghị chia thành phố làm năm khu đô thị, trong đó ĐHQG-HCM tọa lạc khu Đông Bắc (quận 2, 9, Thủ Đức). Nếu quận 2 quy hoạch theo hướng tài chính thì khu này sẽ có tài chính - khoa học giáo dục - văn hóa. Trong sự tương tác đó, cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM sẽ là khu đô thị giáo dục - khoa học- văn hóa.  


    TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch kiến trúc không tạo được bản sắc riêng

        Theo tôi quan sát thực địa, ĐHQG-HCM vẫn đang được quản lý và vận hành như một tổ hợp gồm nhiều trường thành viên hoạt động riêng rẽ (không thực sự hợp tác về giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả, theo đúng nghĩa của một làng đại học) và phân tán (phần thì ở Thủ Đức, phần thì rải rác ở trung tâm TP.HCM). Thậm chí nhiều trường thành viên tại làng đại học Thủ Đức còn xây dựng hàng rào kiên cố và cổng vào riêng khá hoành tráng. Phần ranh giới với khu dân cư xung quanh đang phát triển tự phát, không an ninh. Quy hoạch kiến trúc hiện nay không tạo được bản sắc riêng, và không có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại rõ ràng và thuận tiện. Có thể nói chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, để xây dựng một làng đại học thực sự đúng nghĩa tại đây.

    PHIÊN AN thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên