Nhiều chuyên gia cho rằng, sau dịch COVID-19, người dân đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp mạn tính và cấp tính.
Lời cảnh báo này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo quốc tế “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng” do Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM phối hợp ĐH Dublin (Ireland) tổ chức tại TP.HCM vào ngày 8/6.
Đáng lo nhất là trẻ em
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày 7 tham luận khoa học nhằm chỉ ra nguồn gốc ô nhiễm không khí, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đo lường mức độ ô nhiễm và kiến nghị các chính sách về quản lý môi trường.
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết TP.HCM đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến môi trường như rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Trong đó, tình trạng ô nhiễm không khí và hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tăng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe.
“Tất cả vấn đề đó buộc chúng ta phải nhanh chóng có giải pháp để kiểm soát hàm lượng chất gây ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt” - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.
Đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho rằng ô nhiễm không khí đặc biệt với NO2 và PM2.5 sẽ làm tăng sự lây lan của dịch COVID-19, nguy cơ nhiễm bệnh cũng như khả năng tử vong cao do dịch bệnh này gây ra. Các triệu chứng của bệnh nhân hậu COVID-19 sẽ trở nên nặng hơn do ô nhiễm không khí tác động.
“Do hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể, cộng hưởng với đại dịch COVID-19, bệnh nhân có tiền sử về hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh tình trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong” - bà Lan đánh giá.
Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM lưu ý 92% người tử vong do ô nhiễm không khí đều xảy ra tại các nước đang phát triển. Bà bày tỏ sự lo lắng đối với vấn đề sức khỏe của trẻ em sinh trưởng trong các đô thị vốn chịu ô nhiễm nặng nề.
Chuyên gia này cho rằng trẻ em hoạt động ở ngoài trời nhiều hơn, thở nhanh, tốc độ chuyển hóa cao hơn người lớn. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị nhiễm trùng hô hấp, nhất là bị ho, khò khè và hen suyễn. Đây là những bệnh lý mạn tính quan trọng nhất.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM, cho biết trong năm 2021-2022, chất lượng không khí tại TP.HCM được cải thiện do các hoạt động sản xuất và giao thông bị đình trệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động này gia tăng trở lại khiến vấn đề ô nhiễm không khí tăng cao.
Từ kết quả nghiên cứu cùng các cộng sự của mình vào năm 2019, PGS.TS Hồ Quốc Bằng chỉ ra rằng hoạt động công nghiệp đóng góp lượng phát thải PM2.5 cao nhất, khoảng 39,7% tổng lượng PM2.5 tại TP.HCM. Đây là “sát thủ thầm lặng” gây ra các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư...
Đối với nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, chuyên gia này nhấn mạnh xe máy là phương tiện phát thải PM2.5 cao nhất trong tất cả nguồn phát thải đơn lẻ khi chiếm đến 24,5% tổng lượng phát thải PM2.5 tại TP.HCM.
“TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô. Những phương tiện này phát ra nhiều khí thải đặc biệt vào giờ cao điểm. Trong đó chất lượng các xe chưa đạt chuẩn do nhiều xe đã cũ khiến khí thải từ động cơ xăng càng độc hại hơn” - PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhận định.
Cần kiểm tra phát thải của xe máy
Theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, các thông tin trên sẽ giúp những nhà dịch tể học chọn được các biện pháp phù hợp để đề phòng sự bùng phát các đợt dịch trong tương lai. Bà đề nghị các nhà làm chính sách cần chú ý đến những cộng đồng cư dân nghèo, nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất.
“Kiểm soát chất lượng không khí phải là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh” - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM khuyến cáo.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho rằng TP.HCM có thể giảm ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp cụ thể như giảm phát thải trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là giao thông vận tải. Đồng thời, TP.HCM cần tăng cường hoạt động của các phương tiện công cộng, sử dụng năng lượng sạch và kiểm soát số lượng xe máy.
“Những xe hiện hành cần được kiểm soát khí thải bằng cách kiểm tra mức độ thải, loại bỏ xe máy cũ không đạt chuẩn, giống như đã làm khi đăng kiểm ôtô, hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng” - ông Bằng đề xuất.
Đặt trọng tâm việc giải quyết ô nhiễm không khí từ các chính sách quản lý, TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, đưa ra nhiều kiến nghị thay đổi một số quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, TS Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng cần phải xác định quy chuẩn kỹ thuật về khí thải riêng cho Việt Nam, bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường phát thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu.
“Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy thành phố cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này” - TS Diệp lý giải
TS Koji Fukuda - Cố vấn trưởng và Giám đốc dự án JICA SPI-NDC, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản - đã trình bày nghiên cứu của ông về việc xây dựng các chính sách về khí hậu.
Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi đã thu thập các tài liệu liên quan, đánh giá định lượng các mối liên hệ chất lượng không khí, biện pháp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm soát phát thải các chất gây ô nhiễm, lựa chọn cách tiếp cận các thành phố để tham vấn cùng các chuyên gia tại địa phương. Chúng tôi luôn mở rộng cơ hội cho các đối tác tại Việt Nam nhằm chung tay nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu”.
LÝ SƯƠNG - PHƯƠNG ANH
Theo dõi chất lượng không khí nhờ trí tuệ nhân tạo Báo cáo về dự án “Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Healthy Air”, TS Ricardo Simon Carbajo - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và phát triển, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - cho biết ứng dụng Healthy Air được phát triển trong khuôn khổ dự án Healthy Air, với sự hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo CeADAR (trụ sở tại Trường ĐH Dublin, Ireland) và ĐHQG-HCM. Ứng dụng sẽ theo dõi chất lượng không khí, hiển thị bằng chỉ số AQI theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam. Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc không khí tự động tại 6 quận, ứng dụng cho người dùng biết mức độ ô nhiễm ở thời điểm hiện tại. Healthy Air còn có thể đo được các chất gây ô nhiễm không khí như: O3, NO2, SO2, PM2.5, CO… Từ đó, ứng dụng đưa ra các cảnh báo về chất lượng không khí cho nhóm đối tượng có các bệnh như: hen suyễn, viêm xoang, hô hấp… Hiện tại, TP.HCM có 6 trạm quan trắc không khí tự động đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, quận 10, quận 1, quận Tân Phú và TP Thủ Đức. KHẮC HIẾU |
Hãy là người bình luận đầu tiên