Chúng ta cần cập nhật góc nhìn mới của các nhà nghiên cứu nước ngoài để thảo luận, tranh biện trước những quan điểm lệch lạc, khiên cưỡng của các học giả quốc tế đối với những tác phẩm, tác gia kinh điển của Việt Nam, đóng góp cho lý luận phê bình văn học trong nước. Đó là nhận định được các chuyên gia, cử tọa đồng tình tại buổi tọa đàm Tác gia văn học cổ điển Việt Nam qua công trình của các nhà nghiên cứu Đông Á hiện đại diễn ra sáng 10/5, tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM).
Ba báo cáo được trình bày là Tình hình nghiên cứu quan niệm thi học của Lê Quý Đôn ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan; Truyền Kiều của Nguyễn Du: Dịch thuật và nghiên cứu ở Nhật Bản; Những nghiên cứu về Nguyễn Du của các học giả Trung Quốc - Đài Loan cho thấy giới học giả Đông Á hiện nay có nhiều cách nhìn khác nhau về các tác gia cổ điển của Việt Nam.
Nội dung gây chú ý trong buổi tọa đàm xoay quanh các công trình nghiên cứu của giới học giả Đông Á về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tọa đàm nhận định một số học giả nước ngoài dịch thuật, nghiên cứu văn học Việt Nam nhưng không tiếp cận nguồn tư liệu gốc bằng tiếng Việt. Việc tiếp cận các văn bản chữ Hán, Nôm hiện nay đã dễ dàng nhưng các học giả nước ngoài vẫn thường nghiên cứu thông qua bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, ảnh hưởng tính khách quan, chính xác khi bình giá.
Ngoài yếu tố kỹ thuật bản dịch, các chuyên gia còn thảo luận khuynh hướng đánh giá của nhóm học giả ở từng quốc gia.
Từng nhận thấy một số khuynh hướng đánh giá có phần lệch lạc của bộ phân học giả nước ngoài, nhưng giới nghiên cứu trong nước chỉ “đóng cửa bảo nhau”, tự nghiên cứu rồi công bố với nhau. Trong khi nghiên cứu là phải mở cửa giao lưu bên ngoài, hướng tới đối thoại hai chiều. Và đề tài này là cách chúng ta bắt đầu hồi đáp với học giả nước ngoài, làm cơ sở cho đối thoại về sau - TS Nguyễn Nam cho biết.
Buổi tọa đàm là hoạt động nhằm phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp ĐHQG-HCM do TS Nguyễn Nam, Khoa Văn học & Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV chủ nhiệm.
Tin, ảnh: Tường Hân
Hãy là người bình luận đầu tiên