Đó là lời nhắn nhủ của bà Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc Facebook Việt Nam tới hơn 1.000 sinh viên trong buổi nói chuyện Khát vọng tương lai, sáng 13/5 tại Hội trường Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.
Tham dự buổi giao lưu còn có PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu, ca sĩ Hà Anh Tuấn, cùng đại diện Ban Giám hiệu các trường đại học thành viên, lãnh đạo các doanh nghiệp.
Tuổi trẻ phải có khát vọng
Mở đầu câu chuyện với chủ đề Khát vọng tương lai, ông Phạm Phú Ngọc Trai nhớ lại quãng thời gian còn là sinh viên ĐHQG-HCM, lúc đó ông không nghĩ rằng hôm nay ngồi tại đây để chia sẻ về khát vọng.
Ông Trai định nghĩa: “Khát vọng là mong muốn làm một điều gì đó. Như thời sinh viên khi chưa có điều kiện, tôi chỉ có lòng tự trọng muốn dẫn dắt một hệ thống. Rồi dần dần khi đạt được những thành công nhất định, tôi mới biết chính khát vọng đưa chúng ta đi. Tất cả đều có thể làm được nếu có khát vọng”.
Bà Lê Diệp Kiều Trang kể về câu chuyện của mình cách đây 25 năm, khi bà được hát cùng Michael Jackson. “Khát khao lớn và đầu tiên của tôi là vào năm 1993, được đi hát cùng Michael Jackson. Một đứa bé 13 tuổi khi đặt chân đến phi trường Thái Lan ấn tượng ngay với hình ảnh xe đẩy hành lý đầy nhà ga, còn ở Tân Sơn Nhất thì ít vô cùng. Rồi những ngày ở Bangkok, thấy đường sá kẹt xe và nhà cao tầng khắp nơi. Cả một tháng sau khi về, nằm mơ tôi còn thấy mình ở bên đó. Chính chuyến đi này đã thôi thúc tôi tìm cơ hội đi du học, bởi tôi biết bên ngoài Việt Nam là một thế giới rất khác” - Bà Trang tâm sự.
Còn ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ rằng khát khao đầu tiên của anh không phải là âm nhạc, mà mong muốn trở thành một giám đốc giống như bố mình. Tuy nhiên, sau khi du học ở Đức về, có người khuyên anh rằng “không đi theo âm nhạc thì rất phí” khiến anh suy nghĩ lại. Nam ca sĩ bộc bạch: “Hà Anh Tuấn đăng ký đi thi Sao mai điểm hẹn vì bạn bè ‘xúi dại’ nhưng cũng nhờ đó mà Hà Anh Tuấn có dịp lắng nghe bản thân mình, biết rằng cuộc đời mình gắn với âm nhạc để nắm chặt khát vọng đó và theo đuổi cho đến tận bây giờ”.
Chia sẻ thêm về khát vọng, tân Giám đốc Facebook Việt Nam khẳng định rằng thành công của bản thân không phải vì mình giỏi mà vì có cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. “Cuộc đời chúng ta có từng giai đoạn, ở mỗi giai đoạn tầm nhìn sẽ khác nhau, khát khao sẽ khác nhau. Và khát khao đầu tiên sẽ mở ra nhiều khát khao sau này” - Bà Trang nhấn mạnh.
Làm thuê hay khởi nghiệp?
Bên cạnh câu chuyện khát vọng, buổi giao lưu còn rất “nóng” khi ba diễn giả chia sẻ về câu chuyện làm thuê hay khởi nghiệp.
Sinh viên Trương Đình Thông (Trường ĐH Kinh Tế - Luật) đặt câu hỏi với bà Lê Diệp Kiều Trang: “Mọi người nói nhiều về khởi nghiệp nhưng bản chất của khởi nghiệp như thế nào và sinh viên ra trường nên làm thuê hay làm chủ?”.
“Khởi nghiệp hay làm thuê thực ra không quan trọng. Mà quan trọng là mỗi ngày mình trưởng thành hơn và làm được nhiều điều hơn. Còn làm thuê hay làm chủ chỉ liên quan đến sự tự ái của mình thôi”
Bà Lê Diệp Kiều Trang
Trả lời câu hỏi “nhức nhối” này, tân Giám đốc Facebook Việt Nam cho biết mình là một người xuất phát từ “làm thuê”, sau đó khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp “làm thuê” bà chuyển qua khởi nghiệp. Rồi bà tiếp tục rời bỏ đỉnh cao khởi nghiệp, để quay lại đi “làm thuê” cho Facebook.
Bà Trang nhắn nhủ tới sinh viên: “Khởi nghiệp hay làm thuê thực ra không quan trọng. Mà quan trọng là mỗi ngày mình trưởng thành hơn và làm được nhiều điều hơn. Còn làm thuê hay làm chủ chỉ liên quan đến sự tự ái của mình thôi”.
Phân tích sâu hơn về chuyện khởi nghiệp, bà Lê Diệp Kiều Trang cho hay “chỉ có một vài phần trăm phù hợp với khởi nghiệp mà thôi. Và khởi nghiệp chỉ phù hợp với những ai tin rằng ý tưởng của mình đưa ra sẽ thay đổi được thị trường. Đừng nên chạy theo khởi nghiệp với mong muốn làm giàu”.
Giám đốc Facebook Việt Nam tâm sự thêm giữa làm thuê và làm chủ có một điều giống nhau đó là luôn đòi hỏi mình phải làm giỏi nhất. Vì vậy thay vì băn khoăn giữa khởi nghiệp và làm thuê, sinh viên hãy trả lời câu hỏi “Mình giỏi cái gì? Mình thích cái gì?”. Đó là hai vấn đề mà mỗi người trẻ phải hiểu trước khi bước vào đời.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhắn nhủ rằng, để thành công dù trong việc đi làm thuê hay khởi nghiệp, sinh viên hãy “đi tìm cái mình cần chứ đừng tìm cái người ta có mà mình không có”.
Sinh viên cần làm gì để thành công?
Sinh viên Phan Đăng Bảo (Trường ĐH Kinh tế - Luật) thắc mắc với ba diễn giả: “Có phải mặc định du học là con đường ngắn nhất để thành công hay không? Đâu là sự khác biệt giữa học ở trong nước và học ở nước ngoài?”
“Học ở nước ngoài có điều kiện tốt hơn, nhưng điều kiện tốt hơn không có nghĩa là thành công, đừng mơ hồ chuyện học ở nước ngoài là tốt. Đừng ảo tưởng ở nước ngoài về là thành công. Sinh viên đừng nên đặt nặng vấn đề này”
Ông Phạm Phú Ngọc Trai
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết: “90% người tài năng đang là CEO ở Việt Nam đều học trong nước. Học ở nước ngoài có điều kiện tốt hơn, nhưng điều kiện tốt hơn không có nghĩa là thành công, đừng mơ hồ chuyện học ở nước ngoài là tốt. Đừng ảo tưởng ở nước ngoài về là thành công. Sinh viên đừng nên đặt nặng vấn đề này”.
Theo ca sĩ Hà Anh Tuấn cái khác biệt lớn nhất của việc đi du học chính là sinh viên được “quăng” vào cộng đồng nước ngoài. Và ở môi trường “lạ” sinh viên Việt Nam sẽ nhận ra nhược điểm lớn của mình đó là sự tự ti. “Lúc du học ở Đức, điểm lý thuyết của Hà Anh Tuấn rất cao nhưng phần thực hành thì thấp kinh khủng. Sau này Hà Anh Tuấn mới biết nhược điểm của bản thân là sự rụt rè, thiếu tự tin, hay giấu dốt” - nam ca sĩ tâm sự.
Tuy nhiên, ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng cho rằng, bây giờ việc “phải đi du học” không còn quá quan trọng nữa. Mà cái cần hơn là mỗi sinh viên phải có tư duy của một công dân quốc tế, phải trau dồi để có thể sống và làm việc ở bất cứ ở đâu.
Bà Lê Diệp Kiều Trang nhấn mạnh tinh thần chủ động trong việc học. Bà nói: “Học ở đâu không quan trọng. Học trong nước sẽ hiểu môi trường trong nước hơn. Vấn đề là chủ động trong việc học, nếu không thì ra nước ngoài thì cũng vậy”.
Kết lại buổi giao lưu, bà Lê Diệp Kiều Trang nhắn nhủ tới sinh viên rằng điều quan trọng nhất với người trẻ bây giờ là “phải làm sao để trong lòng mình có một thôi thúc: sống có ý nghĩa”. Mà để “sống có ý nghĩa” thì sinh viên nên dành thời gian đọc sách, đặt câu hỏi, thảo luận, lắng nghe, sống bằng những kinh nghiệm của người khác và đôi khi phải chấp nhận thất bại.
Còn ông Phạm Phú Ngọc Trai khuyên sinh viên nên chú trọng việc đầu tư kiến thức căn bản trên ghế nhà trường, đừng thiếu tự tin cũng như đừng quá ảo tưởng về những thứ đã biết. Bởi theo ông, “tri thức như kho sách, nhưng thách thức là việc chọn. Cũng chừng đó kiến thức thôi nhưng họ chọn những đoạn, chương để đảm bảo yêu cầu tạo ra giá trị đó, chính giá trị này tạo nên thành công”.
Tình cảm dành cho người trẻ Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, buổi giao lưu là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa và bổ ích vì chủ đề Khát vọng tương lai luôn mang tính thời sự. Buổi giao lưu đã thể hiện tình cảm của các diễn giả dành cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên ĐHQG-HCM đến giao lưu “ĐHQG-HCM rất may mắn và hân hạnh được tổ chức buổi trò chuyện với những diễn giả nổi tiếng. Những câu chuyện, trải nghiệm này sẽ góp phần hun đúc ước mơ cho các em sinh viên. Với những thông tin quý giá từ các diễn giả, mong rằng các em sinh viên hãy mạnh dạn ước mơ cho khởi nghiệp, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhắn nhủ. Cũng tại buổi giao lưu, Tập đoàn Novaland, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood đã trao học bổng trị giá 1 tỷ đồng cho sinh viên ĐHQG-HCM. Đây là lần thứ ba liên tiếp ĐHQG-HCM tổ chức chương trình giao lưu, sau thành công của chương trình Khởi nghệp cùng ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (năm 2016) và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (năm 2017). |
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên