Tin tổng hợp

Giáo sư đạt giải Nobel Vật lý nói chuyện chuyên đề với sinh viên ĐHQG-HCM

  • 31/07/2015
  • Ngày 31/7/2015, Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1990, đã có buổi nói chuyện với sinh viên ĐHQG-HCM về chủ đề “Con đường đi đến khám phá hạt Quark?”.

    Hơn 500 giảng viên, sinh viên, học sinh THPT đã ngồi kín Giảng đường 1 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để nghe thuyết trình và giao lưu với Giáo sư.
     

    Giáo sư Jerome Isaac Friedman nói chuyện về quá trình khám phá hạt Quark.
    Sinh viên, học sinh ngồi kín giảng đường.

    Buổi nói chuyện đã đem đến cho bạn trẻ yêu khoa học vật lý những hiểu biết về mô hình quark, mô hình mới về cấu trúc của vật chất. Giáo sư Friedman cho biết: “Sự khám phá ra mô hình quark đã thay đổi quan điểm của chúng ta về cấu trúc cơ bản của vật chất và đã dẫn đến sự ra đời của một lý thuyết mới về tương tác mạnh gọi là sắc động lực học lượng tử.

    Sự phát hiện đáng kinh ngạc hạt Higgs vào năm 2012 tại Large Hadron Collider, máy tạo va chạm năng lượng cao proton-proton tại CERN, đã tiết lộ cơ chế mà qua đó các khối cấu trúc của tự nhiên có khối lượng và sự phát hiện này đã cung cấp bằng chứng cho một lĩnh vực mới trong vũ trụ”.


    Các bạn trẻ đặt câu hỏi giao lưu với Giáo sư.

    Rất nhiều câu hỏi chuyên ngành cũng như những vấn đề gặp phải trong nghiên cứu, khám phá khoa học… được sinh viên đặt ra trong phần giao lưu và đều được Giáo sư Friedman chia sẻ chân thành. Giáo sư nói: “ Khối lượng và kích thước của hạt Quark là bao nhiêu? Đó là một câu hỏi khó không một nhà khoa học nào có thể trả lời bạn. Vì hiện nay chúng ta chưa có thiết bị phù hợp để phóng đại và đo được”. “Còn ‘Có sự thay đổi gì từ sau khi đạt giải Nobel?’ thì sau khi đạt giải Nobel, có nhiều nơi mời tôi đến thuyết trình hơn. Nhưng tiếc là tôi đạt được giải thưởng này khi đã 60 tuổi. Nếu sớm hơn thì tôi có thể đi nhiều nơi hơn để nói chuyện và truyền đam mê khám phá khoa học đến thế hệ trẻ. Với tôi, thế hệ trẻ là tương lai của khoa học chứ không phải các nhà khoa học hiện tại”.

    Chăm chú lắng nghe và có những câu hỏi trao đổi với Giáo sư, bạn Xuân Hoàng, học sinh chuyên Lý Trường Phổ thông Năng Khiếu ĐHQG-HCM cho rằng đây là buổi học rất ý nghĩa và đặc biệt.
     

    PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM tặng hoa cảm ơn Giáo sư Friedman.

    Các bạn trẻ gặp gỡ với Giáo sư Friedman sau buổi thuyết trình.

    Bài, ảnh: Khánh Châu


    Tiểu sử của Giáo sư Jerome Isaac Friedman

     


    Giáo sư Jerome Isaac Friedman (28/3/1930) là một nhà Vật lý người Mỹ gốc Nga. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu xuất sắc về hội họa và nghệ thuật và đã được trao tặng học bổng của Học viện Nghệ thuật và Âm nhạc Chicago. Tuy nhiên, ông đã từ chối học bổng này để theo đuổi con đường khoa học sau khi đã làm quen và say mê lý thuyết tương đối của Albert Einstein (1879 - 1955).

    Ông giành được học bổng toàn phần tại Khoa Vật lý, Trường ĐH Chicago (1950), lấy bằng Thạc sĩ năm 1953 và trong khi cùng tham gia nghiên cứu với GS Enrico Fermi (1901 –1954), ông nhận được bằng Tiến sĩ Vật lý năm 1956. 

    Từ năm 1960 đến nay, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Vật lý, và là giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt Quark tại Học viện Công nghệ  Massachusetts (MIT), một học viện danh tiếng hàng đầu của Mỹ. Trong hai năm 1968-1969, ông tiến hành thí nghiệm với  Henry W. Kendall (Trung Tâm Stanford Linear Accelerator) và đã lần đầu tiên chứng minh được rằng các protons có cấu trúc nội tại (được biết như là hạt Quark). Chính nhờ phát kiến vĩ đại này mà GS Friedman và GS Kendall đã được trao giải Nobel Vật lý năm 1990. Hiện nay, ông cũng là thành viên của Hiệp hội Bảo trợ Bản tin các nhà khoa học nguyên tử.


                                                                                                                                                                  K.C

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên