Đó là khẳng định của GS Finn Kydland tại buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) chiều 5/7.
GS Finn Kydland chia sẻ về 3 nội dung chính: Con đường đến với giải thưởng Nobel; Ảnh hưởng cùa công trình nghiên cứu của GS Finn Kydland đối với nghiên cứu kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách kinh tế; Các hàm ý đối vối xây dựng và quản lý chính sách vĩ mô của Việt Nam (lạm phát, nợ công, tự do thương mại, hội nhập kinh tế thế giới) và những vấn đề như Brexit.
GS Finn Kydland cho biết, mãi đến năm 1970 các nhà kinh tế vẫn còn loay hoay xây dựng các mô hình kinh tế dựa trên các tham số cố định, trong khi có những nhà kinh tế khác chứng minh rằng tham số này sẽ thay đổi khi chính sách nhà nước thay đổi. Ông và cộng sự đã đưa ra cách tiếp cận mới đối với phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích các động lực đằng sau chu kỳ kinh doanh. Chính nghiên cứu này đã làm thay đổi quan điểm nguyên nhân của biến động trong chu kỳ kinh doanh và khẳng định những dao động kinh tế vĩ mô rất giống với tăng tiêu dùng, đầu tư và thu nhập quốc dân thực tế.
Theo GS Finn Kydland, kinh tế học hiện đại hiện đang thiên về toán học với việc sử dụng rất nhiều công cụ toán, nên các chương trình đào tạo ngành kinh tế nên tập trung vào toán nhiều hơn và khuyến khích các bạn theo đuổi con đường kinh tế học nên tập viết những bài nghiên cứu, tiểu luận từ sớm. Ông cũng cho biết thêm kinh tế học hành vi đang là lĩnh vực rất thú vị, và sẽ có rất nhiều vấn đề cũng như hướng nghiên cứu trong thời gian tới.
GS Finn Kydland cùng với cộng sự là GS Edward Prescott là hai nhà khoa học nhận giải Nobel về lĩnh vực kinh tế năm 2004 với công trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô như lạm phát, biến động trong sản xuất và việc làm, tăng trưởng dài hạn.
Được biết, đây là lần đầu tiên GS Finn Kydland đến Việt Nam để dự Hội nghị Khoa học Tự nhiên và Xã hội trong chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam diễn ra tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) từ ngày 7/7.
KIM DUNG
Hãy là người bình luận đầu tiên