Ngày 5/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố kết quả công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Cô Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM là tân giáo sư duy nhất của ĐHQG-HCM được vinh danh lần này.
Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trò chuyện ngắn với GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai.
* Thưa cô, cô có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình khi được công nhận chức danh giáo sư?
- Tôi rất vui vì những đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình trong thời gian qua đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận. Đây là động lực rất lớn để tôi tiếp tục trong suốt sự nghiệp giáo dục và làm khoa học của mình.
* Cơ duyên nào đưa cô đến với ngành hóa học để cô phấn đấu trở thành giáo sư như hiện nay?
- Thật ra, từ lúc chọn trường thi đại học tôi vẫn chưa nghĩ sau này mình trở thành một giảng viên và nhà khoa học như bây giờ. Hồi đó, tôi nhớ là mình rất thích ăn “mì tôm”, và mong muốn giản dị rằng sau này mình sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên đã thi vào ngành hóa học của Trường ĐH Tổng Hợp, nay là Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM.
Càng học tôi càng yêu thích ngành hóa học, nhất là chuyên ngành hóa phân tích. Tuy nhiên, vào những năm 2000, việc học tiến sĩ ở nước ngoài còn khó khăn, tôi lại học tiếng Nga từ bậc phổ thông nên khó có thể xin học bổng ở các nước nói tiếng Anh. May mắn là tôi có một đồng nghiệp đang làm tiến sĩ tại Nhật Bản. Bạn ấy đã giới thiệu giáo sư cho tôi, đồng thời tôi nhận được học bổng của chính phủ theo đề án 322 nên đã cố gắng ôn luyện tiếng Anh để được chấp nhận sang học ngành dược tại Viện Nghiên cứu thuốc thiên nhiên ĐH Y Dược Toyama, Nhật Bản.
“Tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu cơ bản của mình có thể phát triển thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc là thuốc điều trị bệnh”.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai
Quá trình học tại đây, tôi tiếp thụ được rất nhiều kiến thức về lĩnh vực hóa hợp chất thiên nhiên, hoạt tính sinh học và các ứng dụng để phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu thiên nhiên của Nhật Bản. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ năm 2005, tôi trở về Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ngay vì lúc đó Bộ môn Hóa Phân tích thiếu nhân sự trầm trọng. Nhận thấy hướng nghiên cứu về hóa hợp chất thiên nhiên tại Khoa Hóa học mặc dù đã có từ lâu nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến cấu trúc hóa học của các hợp chất thiên nhiên chứ chưa thật sự quan tâm đến hoạt tính sinh học của chúng, do đó tôi bắt tay triển khai hướng nghiên cứu về hóa dược. Càng nghiên cứu chúng tôi càng thấy rất nhiều tiềm năng để phát triển về lĩnh vực này tại Việt Nam.
* Được biết cô đã công bố 60 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Cô mong muốn và kỳ vọng gì khi theo đuổi các nghiên cứu của mình?
- Tôi vốn được đào tạo để thực hiện các nghiên cứu cơ bản, do đó, trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam và công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu cơ bản của mình có thể phát triển thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc là thuốc điều trị bệnh. Do vậy, trong thời gian gần đây, tôi triển khai một số nghiên cứu ứng dụng và đến nay đã hoàn thành được hai sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước.
* Trong các nghiên cứu của mình, công trình nào cô tâm đắc nhất?
- Đó là chuỗi nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam. Trong chuỗi nghiên cứu này, nhóm chúng tôi đã phát hiện nhiều hợp chất mới có tác dụng kháng ung thư tuyến tụy từ keo ong không ngòi đốt (Trigona minor), cũng như chứng minh được tác dụng kháng viêm khớp, giảm đau của nọc ong mật (Apis mellifera) trên động vật thực nghiệm. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, nếu tập trung khai thác các sản phẩm như keo ong, nọc ong làm các nguyên liệu hóa dược từ các trang trại nuôi ong thì sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt: vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, vừa chủ động nguồn nguyên liệu hóa dược trong nước và giảm chi phí nhập khẩu thuốc. Nhóm chúng tôi đã đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019 từ chuỗi nghiên cứu này.
* Sắp tới cô sẽ có kế hoạch, chương trình làm việc gì?
- Tôi luôn mơ ước biến các nghiên cứu của mình thành các sản phẩm cụ thể, từ đó tìm đầu ra cho dược liệu nước nhà, nhưng rất tiếc là vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, tôi rất hài lòng khi mình có một nhóm nghiên cứu rất tâm huyết với lĩnh vực hóa dược.
Hiện nhóm chúng tôi đã ổn định các hoạt động nghiên cứu cơ bản, do đó trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thông qua các nguồn tài trợ từ Chính phủ, ĐHQG-HCM, cũng như tìm các doanh nghiệp để phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Tôi tin là trong thời gian sắp tới, với nội lực sẵn có của nhóm và sự giúp đỡ từ phía ĐHQG-HCM cùng các cơ quan hữu quan, chúng tôi sẽ thực hiện được điều này.
“Để trở thành một nhà khoa học thật sự, các bạn cần kiên trì theo đuổi đam mê của mình, phải nắm bắt cơ hội và dám đương đầu với những thách thức. Khi hoàn thành một chương trình nghiên cứu, các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con đường mình chọn”.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai
* Cảm nghĩ cô đọng của cô về nghề giáo?
- Được làm việc trong một môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học với đối tượng là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh là niềm vui và hãnh diện của tôi. Đối với mỗi người thầy, hạnh phúc lớn nhất là hằng năm được nhìn thấy từng lứa sinh viên trưởng thành và tốt nghiệp. Chỉ tiếc là tôi khá bận bịu với công tác quản lý nên chủ yếu chỉ định hướng cho các bạn nghiên cứu chứ chưa thật sự sâu sát với các bạn.
* Và xin cô một lời khuyên cho các bạn sinh viên hiện nay?
- Giới trẻ ngày nay rất may mắn khi sống trong thời đại kỹ thuật số, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, do đó các bạn dễ hình thành các ý tưởng khoa học. Tuy nhiên, để trở thành một nhà khoa học thật sự, các bạn cần kiên trì theo đuổi đam mê của mình, phải nắm bắt cơ hội và dám đương đầu với những thách thức. Khi hoàn thành một chương trình nghiên cứu, các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con đường mình chọn.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!
ĐHQG-HCM có thêm 18 tân giáo sư và phó giáo sư Theo kết quả từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố ngày 5/12, cả nước có 339 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư trong năm 2020. ĐHQG-HCM vinh dự có một tân giáo sư và 17 tân phó giáo sư. Trong đó, Trường ĐH KHTN có một giáo sư và 3 phó giáo sư; Trường ĐH Bách Khoa có 7 phó giáo sư; Trường ĐH Quốc Tế có 4 phó giáo sư; Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH KHXH&NV và Trường ĐH An Giang mỗi trường có thêm một phó giáo sư. |
ĐỨC LỘC thực hiện (Bản tin ĐHQG-HCM xuân 2021)
Hãy là người bình luận đầu tiên