Chiều 1/7, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, GS Yuan Tseh Lee - nguyên Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Đài Loan đã đến thăm và có buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài ĐHQG-HCM.
GS Yuan Tseh Lee đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu và các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm toàn cầu.
Vị giáo sư đã từng đạt giải Nobel Hóa học năm 1986 cho biết, tuổi thơ ông gắn liền với những năm tháng chiến tranh thế giới thứ 2, thời đó, gia đình ông phải di tản lên vùng núi. Hằng ngày, ông lang thang đi chơi, trèo cây, bắt sâu bọ và học cách đan giỏ tre. Chính câu chuyện và cuộc đời của nhà khoa học Marie Curie đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc dấn thân vào con đường khoa học của ông.
GS Yuan Tseh Lee cho biết, ở Berkeley, ông có người thầy hướng dẫn luận án rất đặc biệt, luôn đến gặp ông ở phòng thí nghiệm và sau khi nghe ông giải thích những việc đang làm thì chỉ luôn hỏi 2 câu: What's new? (Cái gì mới?) và What are you going to do next? (Em sẽ làm gì tiếp?).
Chia sẻ với sinh viên, GS Yuan Tseh Lee cho rằng, không phải học tốt tất cả môn Hoá thì sẽ trở thành nhà hoá học mà cần tìm ra cái mới và có lúc cần đủ bản lĩnh nói với thầy cô giáo của mình là "thầy cô đã sai".
Nhà khoa học này cũng khuyên mọi người chia sẻ năng lượng và hạn chế tiêu thụ năng lượng bằng cách sử dụng phương tiện công cộng...
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm và làm việc tại ĐHQG-HCM, GS Yuan Tseh Lee và các giáo sư Đài Loan khác, trong đó có giáo sư Paul. T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á cũng có buổi tọa đàm cùng lãnh đạo, giảng viên Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM về giáo dục và nghiên cứu khoa học vào ngày 2/7.
BẢO KHÁNH (Tổng hợp)
Hãy là người bình luận đầu tiên