Tin tổng hợp

Học trò là động lực phấn đấu

  • 20/08/2020
  • Năm 2019 là một năm thành công với PGS.TS Đào Nguyên Khôi - Khoa Môi Trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, khi thầy liên tiếp gặt hái được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như đạt học hàm phó giáo sư, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM… Dù vậy, ở vai trò là nhà giáo hay nhà ngiên cứu, thầy vẫn luôn nỗ lực tiến lên vì thầy tin rằng thành công là cả một quá trình chứ không phải tại một thời điểm.

    PGS.TS Đào Nguyên Khôi hướng dẫn sinh viên xử lý số liệu. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

    Tiếp tục chinh phục khoa học

    Sau khi gặt hái được những danh hiệu cá nhân, PGS.TS Đào Nguyên Khôi đang từng bước xây dựng một tập thể nghiên cứu vững mạnh. Nó được kỳ vọng là một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực môi trường. Dự án này bên cạnh sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu nổi tiếng cũng cần nguồn nhân lực trẻ và chất lượng. Thầy ấp ủ nguyện vọng đào tạo nhân lực từ chính những lứa học trò của mình.

    Thầy Khôi không ngần ngại chia sẻ với học trò những dự định trong công việc. Nếu các bạn sinh viên hứng thú với đề tài đó, thầy sẵn sàng định hướng, hỗ trợ các bạn theo con đường nghiên cứu. Với thầy, đam mê nghiên cứu chính là yếu tố quyết định thành công ngày hôm nay.

    Thầy chia sẻ rằng chỉ khi làm đồ án tốt nghiệp thầy mới hứng thú với công việc nghiên cứu, chứ trước đó hoàn toàn không nghĩ mình sẽ theo con đường này. Đó không phải là thời điểm quá trễ để bắt đầu mọi thứ, quan trọng là tâm huyết mình bỏ ra, khát khao chinh phục của mình như thế nào. Thầy luôn khuyên bảo các cộng sự trẻ của mình kiên trì sẽ thành công. Tuy nhiên, mỗi người có những động lực riêng của bản thân để duy trì sự đam mê đó. Thầy bộc bạch: “Động lực của tôi chính là học trò của mình. Các bạn sinh viên luôn giàu năng lượng và khát vọng, chính vì thế nếu như tôi tụt ‘mood’ thì các bạn ấy sẽ là người kéo tôi lên.”

    Định nghĩa thành công của mỗi người khác nhau, riêng thầy Đào Nguyên Khôi tâm niệm “thành công là một quá trình”. Thầy nhận được nhiều lời chúc mừng năm 2019 là năm đại thành công của mình, nhưng thầy cho rằng thành công đó là cả một quá trình nỗ lực của nhiều năm trước tích góp lại. Học hàm phó giáo sư là mục tiêu phấn đấu của thầy trước đây, còn những giải thưởng khác như Quả cầu vàng, Công dân trẻ tiêu biểu... là sự ghi nhận từng bước cho chặng đường nghiên cứu của thầy.

    Một sinh viên nếu muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học ít nhất phải đến năm 28 tuổi mới có thể hoàn thành xong việc học. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu trẻ không ít lần lung lay tư tưởng. Thầy Khôi chia sẻ bản thân mình cũng từng trải qua thời gian đó nên thầy hiểu cảm giác chơi vơi của các bạn sinh viên. Thầy tâm sự: “Định hướng rõ ràng nhất có thể cho học trò, giúp học trò biết được nghiên cứu đó có ý nghĩa thực tiễn như thế nào chính là cách giúp các bạn vượt qua gian đoạn khó khăn này. Cũng như cách mà thầy cô đã dìu dắt tôi ngày xưa”.

    Gắn bó với thầy từ tư cách học trò và đến bây giờ là đồng nghiệp, bạn Phạm Thị Thảo Nhi bồi hồi: “Mình được thầy hướng dẫn từ lúc làm luận văn đại học, rồi đến luận văn thạc sĩ và bây giờ là luận án tiến sĩ. Có thể nói thầy là người ảnh hưởng lớn trong công việc của mình”.

    Thầy Khôi cho biết việc nghiên cứu và giảng dạy cùng lúc giúp cho thầy linh hoạt và chủ động hơn. Các vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu luôn là điểm thu hút trong bài giảng của thầy. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy thầy luôn muốn mở rộng kiến thức cho các bạn sinh viên, điều này đồng thời giúp thầy tích lũy, cập nhật những tiến bộ của khoa học và áp dụng vào thực tiễn.

    Về nơi thân thuộc cống hiến

    Tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật, nhưng thầy Đào Nguyên Khôi vẫn chọn trở về Việt Nam làm việc. Mặc dù cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài cao nhưng thầy cho rằng không có sự mới mẻ cho các nhà khoa học trẻ “dụng võ”. Hơn nữa, thầy tâm sự chưa từng muốn ra nước ngoài làm việc, luôn tự nhủ đi là để trở về.

    “Trường ĐH Khoa học Tự nhiên như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy, dù đi du học nhưng tôi vẫn luôn hướng về nơi thân thuộc này, muốn đóng góp cho ngôi trường nuôi dưỡng đam mê của mình. Ở ngôi trường này, tôi đã may mắn nhận được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, thế nên khi quay trở lại làm việc, tôi muốn tiếp tục định hướng cho các thế hệ học trò tiếp theo sẽ theo đuổi đam mê nghiên cứu như mình” - thầy Khôi cho biết.

    Đặt mình vào vị trí của sinh viên, thầy Khôi gạt bỏ cách dạy nhàm chán. Thầy ngẫm nghĩ: “Hồi xưa đi học nếu cảm thấy cách dạy đó không hiệu quả thì bây giờ tôi sẽ không áp dụng với học trò của mình. Tôi học hỏi từ những người thầy đi trước và cả những đồng nghiêp xung quanh để có phương pháp dạy tốt nhất”. Sinh viên, đặc biệt là các bạn đi theo con đường nghiên cứu sẽ rất dễ bỏ cuộc nếu như không biết mình làm việc đó để làm gì, có lợi ích gì. Hiểu được suy nghĩ đó, thầy Khôi luôn định hướng, hỗ trợ các bạn sinh viên chủ động tìm câu trả lời bằng cách đưa ra những bài toán thực tế, bối cảnh, địa danh số liệu cụ thể và công tác quản lý của địa phương.

    Khi nói về các học trò của mình, thầy tự hào: “Điều tôi ấn tượng nhất với các bạn sinh viên đó là khả năng phản biện. Khi làm việc chung, các bạn có chủ kiến, có quan niệm riêng của mình. Mỗi người một vẻ, đều có cá tính”. Ở giảng đường, sinh viên là học trò, nhưng trong công việc nghiên cứu, thầy xem họ như những người cộng sự và luôn tôn trọng ý kiến của từng cá nhân.

    Chị Phạm Thị Lợi - nghiên cứu sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Trong các cuộc trao đổi thầy luôn giữ bình tĩnh rất tốt, sẽ giải thích rõ ràng để sinh viên tụi mình có thể nhận ra vấn đề. Mình rất tôn trọng tính cách này của thầy”.

    Bên cạnh đó, thầy Khôi giới thiệu cho các bạn những tài liệu, cách tìm bài báo khoa học sao cho hiệu quả và mỗi tuần thầy đều có cuộc trao đổi để theo dõi quá trình của các bạn. Trương Thảo Sâm - Nghiên cứu sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cảm kích người thầy của mình: “Tôi cảm thấy may mắn khi được học thầy. Thầy vừa là người có kiến thức sâu rộng, vừa chỉ dạy tận tình cho sinh viên. Làm việc với thầy tôi cảm thấy rất thoải mái”.

    PGS.TS Đào Nguyên Khôi cho rằng mặc dù tính chất công việc đòi hỏi sự nghiêm túc nhưng vẫn phải có tình cảm, vui vẻ thì mọi người mới gắn kết lâu dài với nhau được. Trong quá trình làm việc chung không tránh khỏi những bất đồng quan điểm, thầy chọn cách nói chuyện cặn kẽ cho các bạn hiểu. Những người trẻ luôn khát khao thể hiện mình, nhưng đôi lúc sự nỗ lực chưa gặt hái được thành quả như mong muốn. Khi đó thầy luôn động viên, an ủi học trò của mình đừng nản lòng bỏ cuộc. Sự ghi nhận mà thầy tâm niệm đó là quá trình phấn đấu của mỗi người chứ không phải tại một thời điểm.

    Qua cách làm việc và giảng dạy, thầy Khôi xây dựng được hình ảnh riêng biệt trong lòng các thế hệ học trò. Thỉnh thoảng, thầy Khôi nhận được một vài email vụng về, hài hước của các bạn sinh viên. Thầy không quá khắt khe vấn đề đó mà cho rằng đó là sự chân thành, thật thà của các bạn. “Ngày biết tin thầy nhận được chức danh phó giáo sư mình rất mừng và hãnh diện vì được là học trò của thầy, còn đi khoe khắp nơi nữa” - Bạn Thảo Nhi phấn khởi kể lại.

    Thầy Đào Nguyên Khôi chưa từng nghĩ sẽ làm việc gì khác nếu không làm công việc giảng dạy và nghiên cứu. Quyết định theo đuổi con đường này là một trong những bước ngoặc quan trọng của thầy. Môi trường năng động, thúc giục thầy tiến lên và hơn nữa là được cống hiến cho ngôi nhà thứ hai của mình.

    HOÀI THƯƠNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên