Ngày 7/12, Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM (Hội đồng) đã tổ chức kỳ họp thứ 9, Khóa IV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mở đầu kỳ họp, Hội đồng công bố quyết định bổ nhiệm 3 thành viên mới, gồm: PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM. Đồng thời, Hội đồng cũng bỏ phiếu đề cử PGS.TS Nguyễn Đình Tứ làm Thư ký Hội đồng thay cho PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, hiện đã chuyển công tác về Học viện Cán bộ TP.HCM.
Hội đồng đã nghe và thảo luận 8 báo cáo, đề án: Báo cáo tổng kết hoạt động ĐHQG-HCM năm 2019; Kế hoạch hoạt động ĐHQG-HCM năm 2020; Đề án chuyển mô hình hoạt động của Viện Môi trường và Tài nguyên thành Học viện Môi trường và Tài nguyên; Chủ trương thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ĐHQG-HCM; Báo cáo công tác chuẩn bị Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025; Đề án tăng cường công bố bài báo theo danh mục Scopus; Báo cáo chương trình BS-MS, chương trình tiến sĩ ứng dụng và Đề án song ngành.
Báo cáo tổng kết hoạt động ĐHQG-HCM năm 2019, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ cho biết: “Năm 2019, ĐHQG-HCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật, tiếp tục có tên trên các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế: đứng Top 701-750 bảng xếp hạng QS World, Top 1001+ của bảng xếp hạng THE World University Rankings 2020, Top 301-500 trên 2.100 trường đại học hàng đầu của 132 quốc gia - bảng xếp hạng các đại học đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới năm 2020 (bảng xếp hạng QS GER). Gần đây nhất, ĐHQG-HCM đứng thứ 143, trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu châu Á (QS Asia University Rankings 2020) và là đơn vị đứng đầu trong 8 trường đại học Việt Nam được xếp hạng”.
GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thành viên Hội đồng, đánh giá cao thành quả ĐHQG-HCM trong năm 2019, đồng thời ủng hộ Viện Môi trường và Tài nguyên chuyển đổi thành Học viện Môi trường và Tài nguyên, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp như hiện nay.
Trình bày báo cáo về chương trình đào tạo song ngành giữa các trường thành viên ĐHQG-HCM, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng Ban Đại học ĐHQG-HCM, cho biết hiện nay sinh viên các trường của ĐHQG-HCM đã có thể học hai ngành một lúc trong cùng một trường. “Bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước cùng với đó là sự phát triển đột phá của khoa học kỹ thuật đã làm nảy sinh nhu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng có kiến thức liên ngành, đa ngành và khả năng thích ứng với những thay đổi liên tục của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo song ngành chắc chắn sẽ là một xu thế tất yếu không chỉ đối với ĐHQG-HCM mà còn đối với giáo dục đại học tại Việt Nam trong việc triển khai các chương trình đào tạo” - Trưởng Ban Đại học nói.
Hầu hết thành viên Hội đồng đều ủng hộ đề án này và cho rằng đề án được thực hiện sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức sâu, rộng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hội đồng tán thành và thông qua Báo cáo tổng kết năm 2019, Kế hoạch hoạt động năm 2020 của ĐHQG-HCM trên tinh thần bổ sung ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng; đề nghị Viện Môi trường và Tài nguyên chỉnh sửa bổ sung đề án chuyển đổi mô hình viện thành học viện để tăng tính thuyết phục. Hội đồng cũng tán thành và thông qua chủ trương thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ĐHQG-HCM; chương trình BS-MS; chương trình đào tạo song ngành; và đề án Scopus.
Tiên phong thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn Nắm bắt xu hướng phát triển bền vững của thế giới, trong đó kinh tế tuần hoàn là 1 mô hình được chú ý, ĐHQG-HCM quyết định tiên phong thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn. Viện hoạt động theo mô hình tự chủ hoàn toàn với cơ chế hoạt động tương tự như doanh nghiệp và có sự đầu tư của doanh nghiệp. |
Tin, ảnh: KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên