Ngày 7/5, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM đã diễn ra Hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tại châu Á - Thái Bình Dương (Confrasie) với sự tham gia của gần 100 đại biểu của 88 trường đại học, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu thuộc 11 quốc gia. Hội nghị này là một trong những diễn đàn lớn nhất khu vực về giáo dục đại học và nghiên cứu.
Phát biểu chào mừng hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết ĐHQG-HCM luôn ủng hộ và tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên của tổ chức Confrasie cũng như giữa các thành viên của tổ chức với các đối tác khác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục bền vững.
Ông tin tưởng rằng hội nghị lần này sẽ tạo cầu nối hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các trường thành viên ĐHQG-HCM với Confrasie và với các thành viên khác của tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Chủ tịch Confrasie, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho rằng thế giới đương đại mở ra những cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đại học. Đại học đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, do người học có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để lựa chọn địa điểm, phương thức học tập tương ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ.
“Để giải tỏa áp lực cạnh tranh, đại học phải tiến hành hàng loạt biện pháp, đáng chú ý nhất là cải thiện chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Việc cải thiện đó chỉ được thực hiện hiệu quả khi đại học tự hoàn thiện được chính mình thông qua việc đổi mới với hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Confrasie đảm nhận vai trò tổ chức, điều phối hoạt động tương tác giữa các thành viên và các định chế, tổ chức khác nhằm đạt mục tiêu đó”, ông Điện nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, chủ đề của hội nghị lần này là “Đối thoại đại học - doanh nghiệp: thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học” đã cho thấy phần nào những thách thức đang đặt ra cho giáo dục đại học. “Đó cũng là mối quan tâm sâu sắc của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các trường đại học Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, làm thế nào để chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, để hoạt động nghiên cứu có thể góp phần thúc đẩy phát triển xã hội và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững.
Điều này còn được thể hiện ở việc coi trường đại học không những là một đơn vị tự chủ mà còn phải gánh vác trách nhiệm đối với những thách thức mà xã hội và cộng đồng đang phải đương đầu”, ông Phúc nói.
GS Jean-Paul de Gaudemar, Tổng giám đốc AUF, cho rằng hội nghị này là cơ hội để các trường đại học thảo luận về chính sách giáo dục và khoa học cũng như những thách thức mà các trường đang phải đối mặt như chất lượng chương trình đào tạo và nghiên cứu, cơ hội tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cũng như trách nhiệm xã hội của các trường đại học.
Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã tham gia bốn phiên tọa đàm chuyên đề về các nội dung: chương trình đào tạo và nhu cầu kinh tế xã hội; nghiên cứu và chuyển giao trong cộng đồng đại học Pháp ngữ; phát triển văn hóa và thực hành khởi nghiệp; quản trị đại học và thách thức cho trách nhiệm xã hội.
Cũng tại hội nghị này, Confrasie và Hội nghị Hiệu trưởng đại học Pháp (CPU) đã ký kết thỏa thuận khung nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức. “Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận để tìm kiếm những nhu cầu cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo để các trường thành viên thực hiện sứ mạng của mình” - Chủ tịch Confrasie cho biết.
BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên