Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM trong hội nghị Nguồn nhân lực hội nhập quốc tế: Thực trạng và giải pháp diễn ra sáng 16/12, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.
Hội nghị đã nhận được 18 tham luận của các giảng viên trong và ngoài ĐHQG-HCM, nhà quản lý nhân sự ở các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hội nghị, 3 tham luận đã được chọn trình bày trước hơn 60 đại biểu đến từ các trường ĐH, trung tâm hỗ trợ sinh viên và doanh nghiệp.
ThS Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM mở đầu bằng tham luận Nhu cầu giáo dục đào tạo nguồn nhân lực tại TP.HCM hội nhập quốc tế. Ông Tuấn cho biết, hằng năm TP.HCM đào tạo hơn 200.000 học viên, sinh viên các cấp, các nhóm ngành nghề, và ước tính năm 2016 lao động qua đào tạo nghề đạt tỷ lệ 75%. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển của thành phố. Ông Tuấn cũng đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực thành phố giai đoạn 2016-2020 đến năm 2025 của từng ngành nghề, trong đó đáng chú ý là dự báo xu hướng những nhóm ngành nghề mới. “Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như yêu cầu cao hơn với người lao động. Vì thế người lao động phải có kỹ năng, đạo đức, tác phong công nghiệp bên cạnh kiến thức chuyên môn tốt” - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong tham luận Quản trị đội ngũ công chức nhà nước - yếu tố trọng tâm, có ý nghĩa quyết định trong cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Trường ĐH Kinh tế - Luật) đã chỉ ra thực trạng quản trị đội ngũ công chức ở Việt Nam với 4 vấn đề: Quy trình tuyển dụng cố định, cứng nhắc; Môi trường làm việc mang nặng tính dân chủ hình thức, không còn phù hợp; Chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, lương trên danh nghĩa thì ít nhưng nhiều người “sống rất đàng hoàng”; Mối quan hệ giữa cấp trên và và cấp dưới thiếu thân thiện đến mức đáng báo động.
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban CTSV ĐHQG-HCM đưa ra vấn đề ĐHQG-HCM trong bối cảnh cộng đồng ASEAN. Theo bà Mai, ĐHQG-HCM đã xác định 5 nhóm chiến lược chính và các hoạt động cụ thể hỗ trợ sinh viên hội nhập trong học thuật, hoạt động phong trào, liên kết hợp tác với các thành viên khác.
Hội nghị cũng đã thảo luận 3 chủ đề: Xu hướng tuyển dụng và thách thức đối với sinh viên; Giải pháp từ nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên; Các chương trình mà doanh nghiệp có thể tham gia cùng nhà trường.
Tổng kết hội nghị, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng “tam giác” nhà trường - sinh viên -doanh nghiệp cần tiếp cận, trao đổi nhiều hơn. “Làm sao sinh viên Việt Nam tìm được việc làm trên đất nước Việt Nam. Và doanh nghiệp Việt Nam thu hút được người lao động trên chính đất nước mình, đó cũng là một phần của hội nhập” - Ông Nghĩa nhấn mạnh.
ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên