Sáng 24/10, Trường ĐH Quốc Tế (IU) ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo “Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý...
TS Phạm Huỳnh Trâm - Phó Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp cho biết hiện nay, IU đào tạo hơn 400 sinh viên và hơn 50 học viên cao học ngành này. Trong đó, khoảng 1/8 học viên cao học mong muốn học cao hơn để đi theo hướng nghiên cứu hoặc giảng dạy. Vì vậy nhu cầu bổ sung nguồn giảng viên, nghiên cứu viên tại các viện, trường là hết sức cấp bách. Nhìn từ góc độ thị trường cũng cho thấy các công ty, xí nghiệp và ngành dịch vụ đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao trong ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề như nâng cao năng suất, gia tăng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. “Tuy nhiên, chỉ một số ít cơ sở đại học ở Việt Nam có đào tạo ngành Kỹ thuật. Hệ thống công nghiệp với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chưa được chuẩn hóa. Đặc biệt, ở Việt Nam vẫn chưa có trường đào tạo ngành này ở trình độ tiến sĩ” - TS Phạm Huỳnh Trâm chia sẻ.
Theo đề án, Chương trình đào tạo Tiến sĩ Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp được nghiên cứu, cập nhật và đổi mới theo xu hướng của các đại học trên thế giới, có thời gian đào tạo từ 3-7 năm với tổng cộng 93 tín chỉ (môn học và chuyên đề: 18 tín chỉ, luận án: 75 tín chỉ).
Ngoài ra, nhà trường còn dành nhiều mức học bổng (miễn 100%, 50% và 25% học phí toàn khóa) cho nghiên cứu sinh dựa trên điểm xét duyệt đề cương nghiên cứu và loại tốt nghiệp chương trình thạc sĩ.
Đề án được các đại biểu đánh giá cao vì đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. PGS.TS Trần Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đề xuất IU nên xây dựng đề án và thiết kế môn học phù hợp để người học đáp ứng tốt đòi hỏi của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tin, ảnh: KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên