Hội nghị - Hội thảo

Hội thảo: Mô hình giáo dục 4.0: Áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam

  • 05/11/2018
  • Sáng 5/11, tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1), Ban Đại học ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo: “Mô hình giáo dục 4.0: Áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam” và khóa tập huấn “Chương trình đào tạo, hoạt động dạy - học thích ứng bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHIÊN AN

    Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, ĐHQG-HCM cần nhận diện những vấn đề của giáo dục ĐH để thay đổi. Đó phải là những vấn đề cốt lõi và mang tính hệ thống, là những vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển của đất nước.

    “Vấn đề hiện nay là phải chăng cách giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc? Tiêu chí tuyển sinh giống nhau, chương trình đào tạo chú trọng quá nhiều về nghề nghiệp, thiếu sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, chưa chú trọng đến sự tự chủ của cá nhân người học” - PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá.

    Theo đó, PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị hội thảo tập trung vào một số vấn đề cụ thể: Thứ nhất, về chương trình đào tạo. Cần phát triển chương trình giáo dục toàn diện xuyên suốt và thống nhất trong ĐHQG-HCM; khuyến khích chuyển đổi chương trình đào tạo từ I-shape sang T-shape và Combo-shape; gắn chặt với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm; đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo.

    Thứ 2, về phương pháp giảng dạy. Cần quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới; Thường xuyên tổ chức các hội thảo giới thiệu các phương pháp học bằng trải nghiệm, học bằng đồ án, học thích nghi, cá nhân hoá quá trình học tập; Tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập.

    Thứ 3, về chính sách với giảng viên. Cần có chính sách khen thưởng cho giảng viên có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt.

    Thứ 4, về quản trị. Cần mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị đại học hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tự chủ về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo. 

    Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: PHIÊN AN

    TS Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng ban Ban Đại học, ĐHQG-HCM cho biết, hội thảo đã nhận được sự đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế gồm đội ngũ nhà quản lý giáo dục đại học; đại diện các doanh nghiệp cùng các nhà nghiên cứu giáo dục với nhiều tham luận giá trị, chuyên sâu.

    Trong đó, nổi bật với các tham luận của các chuyên gia như: GS.TS Nguyễn Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trình bày về “Giáo dục đại học và Cách mạng công nghiệp 4.0”; TS Nguyễn Thanh Phượng - Giám đốc Quốc gia, Trường ĐH bang Arizona, Mỹ,  phân tích về vấn đề “Xây dựng đại học tự chủ: Mô hình đại học mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống đại học Việt Nam”.

    TS Megan Bulloch - Giám đốc phụ trách Kiểm định, Đổi mới và Văn hóa đại học, Trường ĐH Fullbright Việt Nam với tham luận “Giáo dục 4.0: Cơ hội để tư duy lại giáo dục đại học” đề cập các tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động giảng dạy của các trường ĐH; nhóm chuyên gia từ Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM với đề tài “Thay đổi hoạt động đào tạo đại học khối ngành khoa học kỹ thuật thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần IV”…

    Buổi chiều cùng ngày và trọn ngày 6/11, Ban Đại học ĐHQG-HCM tổ chức khóa tập huấn “Chương trình đào tạo, hoạt động dạy - học thích ứng bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của hai chuyên gia quốc tế là ông Lee Chee Whye (Singapore Polytechnic) và ông Jimmy Cervin (Trường ĐH bang Arizona, Mỹ).

    Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: LÝ NGUYÊN

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên