Ngày 14/12, tại Hội trường 512, ĐHQG-HCM phối hợp Văn phòng National Geographic Learning Việt Nam (NGL) tổ chức hội thảo “Xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia của NGL, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên các trường ĐH trong và ngoài ĐHQG-HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng việc giảng dạy ngoại ngữ của chúng ta đang gặp nhiều thách thức từ giáo trình, đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất… Vì vậy, cần phải áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề này. “Công nghệ sẽ giúp chúng ta giảm áp lực về sỉ số lớp học, hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng bài giảng, giúp sinh viên làm quen với các đề thi chuẩn quốc tế” - ông Quân nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Quân, về lâu dài, ĐHQG-HCM cần có một “kiến trúc sư trưởng” để thiết kế các chương trình đào tạo, xây dựng tài liệu học tập tiếng Anh cho sinh viên. Phó Giám đốc ĐHQG-HCM kỳ vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để việc giảng dạy tiếng Anh ngày càng hiệu quả hơn.
Đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 5 tham luận, gồm: “Sử dụng công nghệ để khôi phục sự cân bằng trong việc dạy và học ngoại ngữ” (Ông David Persey, chuyên gia NGL); “Đánh giá những kỹ năng giảng dạy tiếng Anh trong thế kỷ XXI” (Bà Monique Nicastro, chuyên gia NGL); “Xu hướng mới trong giảng dạy tiếng Anh, ứng dụng CNTT, hoạt động ngoại khóa sử dụng tiếng Anh trong chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Bách Khoa” (ThS Dương Kim Hương, Trường ĐH Bách Khoa); “Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam” (PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Trường ĐH Hoa Sen); “Một số công cụ kỹ thuật số trong giảng dạy tiếng Anh thích ứng CMCN 4.0” (TS Nguyễn Thị Như Ngọc, Trường ĐH KHXH&NV).
TS Nguyễn Thị Như Ngọc phát biểu: “Ông Gray - một chuyên gia sử dụng công nghệ về giảng dạy ngoại ngữ đã từng nói: ‘Khi chúng ta sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập ngoại ngữ thì các mục tiêu giảng dạy chứ không phải các công cụ công nghệ là điều cần thiết phải bàn trước’. Vì thế khi sử dụng các công cụ kỹ thuật số, người dạy cần phải có sự tìm hiểu thấu đáo, chuẩn bị kỹ càng, xác lập các nội dung và mục tiêu giảng dạy cụ thể để có thể giảng dạy hiệu quả với các công cụ này”.
Trong phần thảo luận, đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là những ứng dụng, tích hợp của công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học ngoại ngữ.
Tin, ảnh: BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên