Chiều 20/8, Giáo sư George F. Smoot - nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2006 đã gặp gỡ và giao lưu với hơn 1.000 học sinh THPT tại ĐHQG-HCM. Chương trình do Trường ĐH Quốc tế ĐHQG TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.
Buổi nói chuyện xoay quanh chủ đề “Lập bản đồ vũ trụ và lịch sử của nó”. Thông qua chủ đề này, Giáo sư George F. Smoot đã giới thiệu cho học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nghiên cứu vũ trụ. Những công cụ này giúp nhà khoa học giải đáp các hiện tượng về sự ra đời và phát triển của vũ trụ, những hiện tượng đã xảy ra hàng tỷ năm với độ tin cậy và chính xác cao. Bên cạnh đó, các bạn học sinh còn được chiêm ngưỡng những thước phim, hình ảnh của vũ trụ từ thuở phôi thai cho đến hiện tại.
Giáo sư nhấn mạnh: “Vũ trụ còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu và giải đáp. Hy vọng, thế hệ sau sẽ tiếp tục khám phá, tìm ra lời giải tiếp theo cho các hiện tượng của vũ trụ”.
Trước đó vào ngày 31/7, ĐHQG-HCM cũng đã đón tiếp Giáo sư Jerome Isaac Friedman - người đạt giải Nobel Vật lý năm 1990 đến nói chuyện về chủ đề “Con đường đi đến khám phá hạt Quark?”.
Ngọc Khanh
Tiểu sử GS George F. Smoot
GS George F. Smoot (sinh ngày 20/2/1945) là nhà thiên văn vật lý, nhà vũ trụ học người Mỹ. Ông đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006 cùng với nhà vật lý John C. Mather trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ, dẫn đến sự khám phá bức xạ nền có tính chất của vật đen và bất đẳng hướng.
Công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của GS George F. Smoot đã hỗ trợ thuyết “Vụ nổ lớn” (Big Bang) thông qua việc sử dụng vệ tinh COBE để nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Hiện tại, Ông đang dạy Vật lý tại Đại học California, nghiên cứu viên cao cấp tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley. Ông cũng là giáo sư Vật lý tại Đại học Paris Diderot (Pháp) từ năm 2010 đến nay. Ngoài giải Nobel năm 2006, vị giáo sư này còn được trao tặng Huân chương Einstein năm 2003 và Huân chương Oersted năm 2009.
NK
Hãy là người bình luận đầu tiên