Sau 1 tuần kể từ khi Ký túc xá ĐHQG-HCM được TP.HCM sử dụng làm khu cách ly tập trung cho thành phố, hơn 1.000 lượt sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM đã hoàn tất việc hỗ trợ dọn dẹp phòng ốc của 41 tòa nhà tại 2 Khu A và B của ký túc xá lớn nhất Đông Nam Á. Tính đến cuối ngày 26/3, 6.397 trường hợp đang được cách ly tại khu ký túc xá này, theo Sở Y Tế TP.HCM.
Sau một ngày đêm đón du học sinh, lao động, kiều bào… từ các vùng dịch trở về, đến khuya 18/3, Khu cách ly tập trung 1.000 giường (trưng dụng từ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của ĐHQG-HCM) đã gần như được “lấp đầy” với hơn 900 người.
PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM cho biết: “Tuy Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của ĐHQG có thể đủ sức chứa vài nghìn chỗ ngủ nhưng do đây là nơi cách ly nên phải tuân thủ các điều kiện y tế, vệ sinh, an toàn nên chỉ sắp xếp khoảng 1.000 giường”.
Theo PGS.TS Đỗ Đại Thắng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh ĐHQG-HCM, mỗi ngày, người cách ly tại đây đều được đo thân nhiệt 2 lần vào buổi sáng và chiều. Nếu ai có biểu hiện khác thường như sốt, ho sẽ được đưa đi khám xác định tình trạng sức khỏe. Hiện Saigoncoop là đơn vị cung cấp 3 bữa ăn miễn phí cho người cách ly (mỗi ngày 100 ngàn đồng/một người).
Sáng 19/3, trong phiên họp với lãnh đạo ĐHQG-HCM, lãnh đạo TP.HCM chính thức đề nghị ĐHQG-HCM làm tốt công tác chuẩn bị để sử dụng Ký túc xá Khu A của ĐHQG-HCM làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19. Ngay sau phiên họp, lãnh đạo ĐHQG-HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM chuẩn bị mọi công việc cần thiết để thực hiện phương án của TP.HCM.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM phối hợp các lực lượng tổ chức dọn đồ đạc sinh viên về quê chưa có mặt ở các tòa nhà khu A để chuyển nơi này thành khu cách ly phòng dịch COVID-19 cho người dân về từ các vùng dịch. Ký túc xá đã bàn giao các tòa cụm AH gồm các tòa nhà G3, G4, H1, H2 cho Thành phố.
Sáng 21/3, hơn 120 tình nguyện viên đã có mặt tại Ký túc xá Khu A ĐHQG-HCM dọn dẹp vật dụng, đồ đạc của sinh viên trong các tòa nhà còn lại, chuyển đến kho, kịp thời giúp ban quản lý Ký túc xá chuẩn bị cho khu cách ly phòng chống COVID-19 trong những ngày tới.
Ngoài lực lượng chính là sinh viên thuộc ĐHQG-HCM, có những tình nguyện viên đã đi làm, ở xa, thậm chí ở tỉnh lân cận cũng có nguyện vọng tham gia góp sức. Trong ngày 21/3, 18 tòa nhà (A1-A20, trừ A13, A16) được dọn dẹp sạch sẽ chờ người cách ly vào nhận phòng.
Chia sẻ về câu chuyện “thầy và trò” ĐHQG-HCM cùng chung tay dọn dẹp Ký túc xá, ThS Phùng Quán - Phó Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM, cho biết: “Tại sao lại cần cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động của ĐHQG-HCM hỗ trợ mà không phải ai khác? Đó là vì phải bảo vệ tuyệt đối tài sản của các bạn sinh viên, khi cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động của ĐHQG-HCM làm, các bạn sẽ yên tâm hơn”.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM, Ký túc xá sử dụng các tòa nhà khu B làm nơi cách ly tập trung. Ngày 22/3, các cán bộ, giảng viên cùng sinh viên tình nguyện của ĐHQG-HCM tiếp tục dọn dẹp gần 500 phòng ở các tòa A1, A2, C1, C2 gần cổng chính của Khu B Ký túc xá ĐHQG-HCM và tận dụng gần 90 phòng để sử dụng làm nhà kho chứa vật dụng của sinh viên.
Theo ThS Phùng Quán, ngay trong ngày đầu dọn dẹp tại Ký túc xá Khu B ĐHQG-HCM, 100 tình nguyện viên đã đến làm việc nhiệt tình. Ông nói: “Trong buổi sáng nhóm chúng tôi gồm 1 trưởng nhóm và 7 thành viên dọn xong 1 tầng với 10 phòng. Mỗi tầng lấy 2 phòng làm kho, mỗi phòng được 1 cái giường đôi để đồ đạc. 11g30 xong, mồ hôi như tắm, xuống nơi tập trung nghỉ ngơi, ăn cơm tranh thủ làm trang đăng ký danh sách để tham gia ngày kế tiếp. Đến 13g, tiếp tục 1 tầng khác, tầng này của nữ sinh viên ở, ôi một ‘thiên đường’ đồ đạc. Cuối cùng cũng hoàn thành”.
Tính đến sáng 23/3, dưới sự giúp sức của đội ngũ tình nguyện viên, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ gần 6.000 chỗ ở cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chủ trương của TP.HCM. Trong vài ngày tới, ĐHQG-HCM sẽ nỗ lực đáp ứng thêm khoảng 12.000 chỗ ở phục vụ cho công tác cách ly của TPHCM, nâng tổng số chỗ cách ly tại ĐHQG-HCM lên 17.000 chỗ (tùy tình hình thực tiễn Ban chỉ đạo phòng chống dịch có thể bố trí chỗ ở đáp ứng tối đa khoảng 20.000 chỗ ở). Đó là thông tin được PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết vào sáng cùng ngày.
Hiện nay, theo ước tính sơ bộ tại khu cách ly, ĐHQG-HCM đang triển khai các lực lượng cùng phối hợp phục vụ cho công tác cách ly người dân (chủ yếu là du học sinh và người Việt Nam ở nước ngoài trở về), trong đó lực lượng tình nguyện viên sinh viên, cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động ĐHQG-HCM khoảng 300 người; lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM khoảng 250 người và lực lượng cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy quân sự của các quận trên địa bàn TP.HCM được Bộ Tư lệnh TP.HCM điều động đến tăng cường hỗ trợ khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19 tại đây khoảng 350 người.
Chị Phùng Thị Diệu Hương - Phó Bí thư Thường trực Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM cho biết, ngay từ ngày đầu (19/3) đăng thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ Ký túc xá, đông đảo sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM đã đăng ký và tham gia hết mình.
“Chỉ riêng trong 2 ngày, từ 20-22/3, hơn 300 sinh viên ĐHQG-HCM tham gia dọn dẹp phòng ốc cho 20 tòa nhà (4 tầng/tòa) của Ký túc xá Khu A. Khi TP.HCM có chủ trương sử dụng tiếp Khu B Ký túc xá để làm khu cách ly tập trung cho thành phố, từ ngày 23-26/3, gần 800 lượt sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM đã dọn dẹp 21 tòa nhà (12 tầng/tòa) cho khu ký túc xá này. Hôm nay cũng là ngày cuối cùng lực lượng tình nguyện viên hoàn tất công tác hỗ trợ và bàn giao lại cho Ký túc xá” - Chị Phùng Thị Diệu Hương nói.
Đánh giá về nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và ý nghĩa của ĐHQG-HCM trong thời gian này, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TPHCM khẳng định: “Tôi đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, nhất trí, tinh thần, thái độ phục vụ của các lực lượng cùng tham gia chống dịch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cao độ để kiểm soát, tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng. Tôi tin tưởng rằng, với việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi”.
Phòng Thông tin & Truyền thông ĐHQG-HCM
Hãy là người bình luận đầu tiên