Tối 12/3, tại Quy Nhơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) ĐHQG-HCM và Hưng Thịnh Innovation, thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh đã tổ chức lễ ký kết hợp tác về nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại thành phố bán đảo MerryLand Quy Nhơn.
Theo đó, hai đơn vị sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp ứng dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại MerryLand Quy Nhơn thông qua các dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tái tạo nguồn nước, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, xử lý chất thải… Qua đó đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, nâng cao giá trị và lợi ích đối với khách hàng, cộng đồng xã hội, đồng thời bảo tồn môi trường tự nhiên.
Hai đơn vị sẽ hợp tác tổ chức các hoạt động kết nối giới khoa học - công nghệ, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm gia tăng nhận thức và hiến kế các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Võ Văn Khang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết: “Với quy mô 695 ha cùng quy hoạch thiết kế theo mô hình đa phức hợp, MerryLand Quy Nhơn sẽ là thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế. Trong đó, yếu tố vận hành thông minh và phát triển bền vững là những trụ cột quan trọng, góp phần kiến tạo một dự án đẳng cấp quốc tế”.
Ông kỳ vọng những giải pháp thiết thực của mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giúp MerryLand Quy Nhơn thực hiện sứ mệnh phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng ICED cam kết nỗ lực cùng tham gia phát triển những giải pháp dài hạn hướng đến sự phát triển bền vững của MerryLand Quy Nhơn và đóng góp vào kinh tế - xã hội địa phương.
Ông nhấn mạnh: “Thông qua các giải pháp mang tính thực tiễn và dài hạn, chúng tôi mong muốn cùng Hưng Thịnh mang lại giá trị môi trường, xã hội thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là những mục tiêu liên quan bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Điều này góp phần gia tăng giá trị của MerryLand Quy Nhơn, đưa thương hiệu này lên bản đồ thế giới như một hình mẫu về đô thị phát triển bền vững và đáng sống đồng thời thúc đẩy không gian đổi mới sáng tạo, bảo tồn văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Trước đó, vào tháng 3/2021, ĐHQG-HCM và Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ. Hai bên đã nghiên cứu các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, Big Data cùng dự án trong lĩnh vực y tế, góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Các đề tài nghiên cứu này được hỗ trợ kinh phí thực hiện trên 23,5 tỷ đồng (hơn 20,5 tỷ đồng kinh phí từ Tập đoàn Hưng Thịnh).
Trong đó, 5 đề tài hợp tác về lĩnh vực công nghệ thông tin gồm “Xây dựng chatbot AI cho lĩnh vực bất động sản” (Trường Đại học Bách Khoa), “Chuẩn hóa nguồn dữ liệu tin đăng bất động sản và trích xuất các datamart theo yêu cầu cho mục đích thống kê và phân tích giá bất động sản”, “Voice KYC dùng giọng nói của cá nhân để xử lý một hành vi định nghĩa trước” (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); “Tổng hợp khoảnh khắc đẹp từ kho dữ liệu lớn”, “Hệ chuyên gia hỗ trợ Tư vấn bất động sản và Giải pháp tài chính dựa trên cơ sở dữ liệu và tri thức” (Trường ĐH Công nghệ Thông tin).
2 đề tài về lĩnh vực sinh học và công nghệ Sinh học do Trường ĐH Quốc Tế chủ trì gồm: “Phát triển kít và quy trình chẩn đoán nhanh, chính xác cao SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật One Step Reverse Realtime PCR trực tiếp từ mẫu không xâm lấn” và “Nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm bộ kit test nhanh kháng nguyên cho virus SARS-CoV-2 từ mẫu nước bọt”.
Đồng thời, ĐHQG-HCM còn hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương và ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức ngày 11/3.
Tại hội thảo, Tập đoàn này đã đề ra các nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản minh bạch như: vấn đề về giá đất - tính tiền sử dụng đất; nhóm giải pháp về nhà ở xã hội; chính sách phát triển bất động sản du lịch nghĩ dưỡng; tháo gỡ ách tắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại “đất ở và các loại đất khác”; và cải cách thủ tục hành chính.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết: “Có thể nói hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh đã giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ áp dụng giải quyết những vấn đề của xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp; tăng cường chất lượng và vai trò tư vấn xây dựng chính sách, phản biện xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời giúp cho ĐHQG-HCM bước đầu hình thành mô hình liên kết Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp tạo sản phẩm mục tiêu, nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển xã hội”.
PHAN ANH
Hãy là người bình luận đầu tiên