Năm 2016 - được Chính phủ lựa chọn làm năm “quốc gia khởi nghiệp” - đến nay, làn sóng khởi nghiệp phát ở Việt Nam triển cực kỳ mạnh mẽ. Theo một thống kê, vào tháng 3/2017 cả nước có khoảng 1.500 công ty khởi nghiệp, và tính bình quân trên đầu người thì Việt Nam đứng trên cả Trung Quốc, Ấn Độ. Thế nhưng con số ấn tượng đó không làm nên một cộng đồng start-up vững mạnh và có sức bứt phá, khi mà còn nhiều công ty khởi nghiệp “sớm nở tối tàn”.
Điều này đòi hỏi khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp, các start-up phải có “bệ đỡ” thích hợp. Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) được coi là một trong những nơi “đỡ đầu” hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ.
Nơi ý tưởng được chắp cánh
Mimosatek là một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp thông minh từ năm 2014, ban đầu chỉ có 2 thành viên và không hề có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ xã hội. CEO Nguyễn Khắc Minh Trí cho biết đó là thời gian “cực kỳ khó khăn” đối với Mimosatek: “Thiếu tất tần tật từ vật chất, tài chính, các mối quan hệ… Vì thế chúng tôi quyết định gõ cửa ITP, tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. Mimosatek được ITP hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là về văn phòng công ty và chỗ ở cho nhân viên, khiến một doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi tiết kiệm được chi phí rất đáng kể vào thời điểm đầy khó khăn này”.
Chuyện không chỉ riêng Mimosatek, nhìn vào con số 20 start-up nhận được gói hỗ trợ của ITP từ tháng 6/2014 đến nay sẽ thấy chuyện “đỡ đầu” là quan trọng đến mức nào.
Hầu hết start-up tìm đến hệ sinh thái khởi nghiệp tại ITP đều được nhận các gói hỗ trợ khá toàn diện, từ không gian làm việc, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đến việc kêu gọi vốn đầu tư, hoàn thiện sản phẩm… Bên cạnh đó, các nhóm khởi nghiệp trẻ còn được tham gia các khóa đào tạo khởi nghiệp giúp doanh nghiệp start-up trau dồi kiến thức, kỹ năng kinh doanh thiết thực. Bởi các start-up hiểu rằng nếu khởi nghiệp bằng cảm nhận mơ hồ thì rất dễ “chết yểu”.
Anh Lê Nhật Quang, Trưởng phòng Marketing ITP cho biết, những dự án được ITP đánh giá có tính khả thi sẽ nhận được gói hỗ trợ khởi nghiệp gồm văn phòng làm việc và tiện ích văn phòng (phòng họp, thiết bị in ấn, máy tính, mạng…) từ 6 tháng đến 1 năm; webhosting, máy chủ ảo, mạng Internet; tư vấn về sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý tài sản trí tuệ; tham dự miễn phí khóa học tăng tốc khởi nghiệp iStartx; kết nối các bên liên quan hỗ trợ khởi nghiệp như chuyên gia, nhà đầu tư...
Là một trong những start-up đầu tiên của ITP, MagikLab trở thành điển hình start-up của sinh viên trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều thành viên đã khởi nghiệp suôn sẻ bước đầu và tạo được doanh thu cho chính mình cũng như trả lương cho các sinh viên thực tập.
Bạn Ngọc Trinh, một thành viên của MagikLab chia sẻ: “Với những sinh viên đam mê khởi nghiệp, ITP là môi trường rất tốt để trải nghiệm và học hỏi kỹ năng. Phát triển đến một mức nào đó, các thành viên có thể tách ra làm dự án và hoạt động riêng”.
Hầu hết start-up nhận gói hỗ trợ từ ITP đều gặt hái được thành công. Mimosatek đạt giải Nhất Venture Cup 2015, MagikLab giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi lập trình game/ứng dụng bên ngoài, Fuky Studio giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Việt. Đặc biệt, đến nay có 2 start-up được định giá 1 triệu đô la là Gcall và Mimosatek.
Môi trường khởi nghiệp tốt cho sinh viên
Có ý tưởng độc đáo, có chuyên môn, năng lực nhưng con đường của những start-up sẽ rất gian nan nếu thiếu bệ phóng ban đầu. Với những tân binh start-up luôn thừa khát khao, nhưng non kinh nghiệm, vì thế càng cần những nhân tố mang tính nền tảng, định hướng như ITP. Một ý tưởng “gãi đúng chỗ ngứa” thị trường, những trang sách dày cộp thôi chưa đủ, mà cần hơn là kinh nghiệm thực tế từ những chuyên gia, người kinh doanh đi trước. Lúc này, ITP giải được “cơn khát” của những start-up trẻ.
Đó là lý do từ năm 2015, ITP tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp nhằm khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên. “ITP không chỉ mời diễn giả nói chuyện, tổ chức các cuộc thi mà còn tổ chức những buổi huấn luyện cho sinh viên về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. Dù có tiếp tục với ý tưởng mình ấp ủ hay dừng lại, song những kiến thức và kỹ năng này sẽ là hành trang hữu ích trong giai đoạn tiếp theo của các bạn” - Anh Lê Nhật Quang cho biết.
Những sinh viên đoạt giải trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sẽ được các doanh nghiệp đầu tư vốn mầm hoặc được hỗ trợ một phần vốn để làm sản phẩm. Và trong quá trình khởi nghiệp, ITP sẽ hỗ trợ bằng các chương trình tăng tốc khởi nghiệp như huấn luyện chuyên sâu về kiến thức, chia sẻ các công cụ, tạo nguồn vốn để phát triển sản phẩm. Khi đã thành công và bước lên doanh nghiệp khởi nghiệp các sinh viên có thể hình thành nhóm để kêu gọi đầu tư.
Chủ đích của ITP là việc hướng tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chứ không chỉ là một vườn ươm thông thường. ITP xác định tập trung vào các giai đoạn dưới của start-up là giai đoạn truyền cảm hứng và tạo môi trường để các bạn sinh viên trải nghiệm.
Hiện tại ITP thu hút trên 40 đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu như dự án nào cũng có sinh viên tham gia. Một năm có khoảng 300 sinh viên thực tập dài hạn tại ITP. Trong số đó, sinh viên sáng lập và đồng sáng lập các start-up chiếm gần 10%. Đến năm 2020, ITP kỳ vọng sẽ quy tụ 100 công ty, tạo được 2.000 việc làm cho sinh viên.
Có thể nói đây là giai đoạn khá thuận lợi cho khởi nghiệp, tuy nhiên trước khi nghĩ đến kết quả mỹ mãn thì phải tạo được nền móng vững chắc về tư duy khởi nghiệp cho người trẻ. Một “bệ đỡ” như ITP với những định hướng, chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích cụ thể sẽ là nơi thích hợp để người trẻ thể hiện bản lĩnh và khát vọng của mình trên hành trình khởi nghiệp cho bản thân và cho cộng đồng.
NHẠC SƠN
Hãy là người bình luận đầu tiên