Đó là nhận định của TS Đào Lê Na trong chương trình “Cà phê học thuật nhân văn: Sáng tạo với chất Việt”, thuộc dự án “Đợi Kiều”, diễn ra vào chiều 13/9, tại Hội trường Nhân Văn, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (cơ sở Thủ Đức). Mục đích của chương trình này là đưa nghệ thuật cải lương và Truyện Kiều đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Chương trình có sự tham gia của TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM; TS Lê Hồng Phước - Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM; nhà biên kịch Bình Bồng Bột; nghệ sĩ Hồng Bảo Ngọc - Quán quân Bông lúa vàng 2019 và gần 500 sinh viên.
Theo TS Lê Hồng Phước, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương, vai trò của khán giả trẻ rất quan trọng. Nếu người trẻ quay lưng thì cải lương sẽ chết.
Tuy nhiên, TS Đào Lê Na cho biết, hiện nay, trước sự phát triển của nhiều loại hình giải trí khác, khán giả dần đánh mất sự quan tâm dành cho cải lương. Từ kinh nghiệm thực hiện vở cải lương Vai diễn đầu đời vào năm 2019, TS Đào Lê Na nhận thấy, cải lương ngày càng thiếu hấp dẫn với giới trẻ là do sự thiếu hụt các kịch bản mới, phù hợp với bối cảnh thời đại.
Nữ tiến sĩ sinh năm 1986 chia sẻ: “Để thu hút khán giả trẻ, tôi cho rằng kịch bản cải lương cần phải có những câu chuyện của đời sống đương thời. Ví dụ, khi thực hiện dự án ‘Đợi Kiều’, tôi chọn một góc nhìn đương đại là học thuyết nữ quyền sinh thái để khai thác Truyện Kiều, từ đó đó mang đến cho khán giả hướng tiếp cận đa chiều hơn về tác phẩm văn học cổ điển này”.
Ngoài ra, “Đợi Kiều” còn sử dụng nhiều nhạc cụ phương Tây để phù hợp hơn với thị hiếu của người trẻ. Tuy nhiên, nhạc cụ phương Tây chỉ là “nền” để làm nổi bật giai điệu cải lương và các nhạc cụ truyền thống.
Đồng tình với cách làm của TS Đào Lê Na, TS Lê Hồng Phước cũng cho rằng để bảo tồn và phát triển bền vững, nghệ thuật cải lương phải kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Do đó, khi chuyển thể kịch bản “Đợi Kiều” sang cải lương, TS Lê Hồng Phước đã giữ lại nhiều câu thơ của Nguyễn Du để lưu truyền giá trị truyền thống của Truyện Kiều.
“Truyền thống và hiện đại phải song hành chứ không được bỏ yếu tố nào. Nếu bỏ tính truyền thống thì cải lương sẽ mất gốc, nếu bỏ yếu tố hiện đại thì chúng ta sẽ trở nên bảo thủ” - TS Lê Hồng Phước nhấn mạnh.
Được biết, chương trình “Cà phê học thuật nhân văn: Sáng tạo với chất Việt” thuộc Tuần lễ nghệ thuật Cải lương của dự án “Đợi Kiều”. Sau gần một năm công diễn và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giới mộ điệu, vở diễn cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” sẽ trở lại vào 23/9 tại Nhà Văn hóa Sinh viên, Khu Đô thị ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh: THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên