Thiết kế phục trang cho từng nhân vật, âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu chuyên nghiệp… là những nét ấn tượng khi đến với vở kịch “Trái tim hóa thạch” - tác phẩm mới nhất của Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn do Câu lạc bộ Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, thực hiện.
Lấy đề tài về tình yêu - thù hận, sự vô cảm và tình thân gia đình, vở kịch “Trái tim hóa thạch” với thời lượng 180 phút (bằng thời lượng vở diễn của sân khấu kịch chuyên nghiệp) đã công bố xuất diễn đầu tiên tại Hội trường C, Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Linh Trung, Thủ Đức) vào tối 14/5, thu hút gần 300 sinh viên tham dự.
Vở kịch kể về câu chuyện Hằng Nga và chú Cuội cùng nhau trốn khỏi cung Quảng Hằng - vốn chịu sự quản chế của thiên đình - để về lại quê nhà. Khác với những hình ảnh diễm lệ của thần thoại, tích cổ, hai nhân vật này đều mang những nỗi niềm riêng. Cuội luôn đau đáu về người vợ tào khang, chán ngán sự cô đơn nơi thiên cung, chỉ muốn tìm gặp lại gia đình mình. Hằng Nga ôm trong lòng nỗi oán hận với Hậu Nghệ - kẻ đã giết gia đình mình và chiếm đoạt lấy nàng, đẩy nàng vào cuộc sống bất tử. Trái với Cuội, nàng chỉ muốn báo thù.
Hành trình trở về của hai nhân vật cổ tích được đặt trong bối cảnh hiện đại, tại một thị trấn ven biển. Từ đây những yêu thương, thù hận bắt đầu mở ra, cùng những sự suy ngẫm về lòng trắc ẩn, tình yêu chân thành được các sinh viên thuộc Câu lạc bộ Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông lồng ghép đầy tinh tế.
Sinh viên Thái Thái - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông, cho biết Trái tim hóa thạch được chuẩn bị nhằm phục vụ cho 650 sinh viên với 2 xuất diễn vào ngày 14/5 và 21/5 tại 2 cơ sở của Trường ĐH KHXH&NV. Đây là vở kịch mà CLB mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất so với những tác phẩm trước đây với 6 tháng hoàn thành kịch bản và mất tròn 1 năm tập luyện để trình diễn.
“Trước khi dịch, tụi em đã có một ngôi nhà riêng để cùng nhau tập kịch trong vòng 2 tháng. Nhưng 2 tháng thuê nhà đó công cóc vì chưa kịp diễn thì dịch bùng phát, đành phải ngồi chờ ngày sân khấu sáng đèn. Kinh phí đã thiếu nay còn phải hao hụt một khoảng lớn. Chưa hết, trong kịch có những địa điểm hư cấu, vì vậy đạo cụ, cảnh trí, phục trang đều phải sáng tạo hoặc tìm kiếm rất khó. Không chỉ vậy, cách diễn xuất của diễn viên cũng phải phù hợp với địa điểm đặc biệt trong kịch” - Thái Thái tâm sự.
Quốc Tiến - Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM - bày tỏ sự hào hứng sau khi xem xong vở diễn. Tiến cho biết được bạn bè giới thiệu nên muốn đến xem thử và vở kịch đã mang đến cho bạn quá nhiều bất ngờ.
“Em từng có dịp cùng gia đình xem kịch tại các sân khấu lớn của thành phố nên em không nghĩ đây là vở kịch của các bạn sinh viên dàn dựng. Quá bất ngờ và cuốn hút. Mọi thứ đều chỉn chu từ phục trang, ánh sáng, dàn dựng, cảnh trí và diễn xuất… tất cả đều vượt rất xa chất lượng của một vở kịch do sinh viên thực hiện” - Nam sinh Bách Khoa phấn khởi kể lại.
Tiến cũng nói thêm, phân cảnh khiến mình ấn tượng nhất là những ký ức của Hằng Nga về Hậu Nghệ. Các diễn viên đều mang những chiếc mặt nạ trắng như kiểu mặt nạ hồn ma trong kịch Noh của Nhật. Sân khấu phủ ánh sáng đen-đỏ, trang phục cổ cùng những động tác múa của dàn diễn viên khá uyển chuyển, gợi lên không khí vừa rùng rợn, bi thương xen lẫn sự tráng lệ.
Trái tim hóa thạch là vở kịch dài thứ tư của Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn sau sự thành công của các vở Mặt trời soi kiếp rong chơi (2018), Cuối trời phiêu lãng (2019) và Nửa trời phiêu lãng (2020). Vở kịch nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kịch nói sinh viên, lan tỏa niềm yêu thích thoại kịch đến giới trẻ.
PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên