Ngày 27/10, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM; PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG-HCM cùng lãnh đạo nhà trường, ban giám hiệu các thời kỳ, sinh viên, cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa.
25 chứng nhận chất lượng quốc tế
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho biết, trường đào tạo hơn 80.000 kỹ sư, 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ hiện đang làm việc trên khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh các chương trình truyền thống, trường còn mở rộng đào tạo các hệ chất lượng cao và hệ liên kết quốc tế. Sinh viên học các hệ này được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do trường đối tác nước ngoài cấp bằng hoặc cấp bằng đôi giữa hai nước.
Hệ thống chất lượng của Trường ĐH Bách Khoa đã đạt chứng nhận ISO 9001:2008 của Viện tiêu chuẩn Anh (BSI), là một trong bốn trường đại học đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn của HCERES (châu u) trong thời hạn 5 năm (2017-2022); là đơn vị đầu tiên trong cả nước có hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của các trường ĐH kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ; 11 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, 7 chương trình đạt chuẩn kiểm định CTI của Pháp và châu u. Tháng 9 vừa qua, trường cũng đã hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA (khu vực Đông Nam Á). Tính đến nay, trường đã có 25 chứng nhận quốc tế về chất lượng.
Trường ĐH Bách Khoa còn là trường đầu tiên áp dụng học chế tín chỉ vào năm 1993. Đến nay học chế tín chỉ đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng của các trường đại học.
Nghiên cứu khoa học tiệm cận với thế giới
Tính từ năm 2016 đến tháng 6/2017, Trường ĐH Bách Khoa đã thực hiện 441 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng; 707 bài báo khoa học được công bố, trong đó có 292 bài báo quốc tế và 415 bài báo trong nước.
Hoạt động chuyển giao công nghệ của trường cũng ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trường là đơn vị chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước có tính ứng dụng rộng rãi như: đề tài về con chip xử lý cao tần thu tín hiệu truyền hình, thiết kế và lắp đặt hệ thống xử lý môi trường y tế, nghiên cứu chế tạo động cơ gió, ứng dụng laser bán dẫn… Riêng năm 2016 doanh thu của trường trong hoạt động chuyển giao công nghệ đạt gần 165 tỷ đồng.
Thay mặt lãnh đạo ĐHQG-HCM, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt kêu gọi toàn thể giảng viên, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa tiếp tục đem tài năng, trí tuệ, đam mê khoa học, khát khao khám phá để khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển và hội nhập. Đồng thời ông đề nghị Trường ĐH Bách Khoa phấn đấu trở thành mẫu hình về tự chủ đại học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tiệm cận với thế giới và nâng cao khả năng phục vụ cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm tự hào của TP.HCM khi có Trường ĐH Bách Khoa. Ông cho biết: “Bên cạnh thành tựu về đào tạo, chúng tôi rất trân trọng nhà trường trong việc tiên phong khởi động chương trình ươm tạo doanh nghiệp cho cán bộ trẻ và sinh viên hơn 8 năm qua. Đến nay đã có 30 doanh nghiệp trưởng thành từ chương trình này, đặc biệt trong đó có 5 doanh nghiệp thành công trên thị trường”.
Ghi nhận những thành tích của Trường ĐH Bách Khoa, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhà trường. Đây là lần thứ hai Trường ĐH Bách Khoa nhận được Huân chương cao quý này.
UBND TP.HCM đã tặng Cờ thi đua cho Trường ĐH Bách Khoa, trao huy hiệu TP.HCM cho 11 cá nhân và tặng bằng khen cho 9 tập thể và 6 cá nhân xuất sắc của trường.
Những con số ấn tượng
Trường ĐH Bách Khoa thành lập vào năm 1957, tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ gồm bốn trường: Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện học, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Việt Nam Hàng hải. Năm 1976 trường đổi tên là Trường ĐH Bách Khoa. Từ năm 1995 đến nay, trường trở thành thành viên ĐHQG-HCM.
Trường ĐH Bách Khoa hiện có 11 khoa, 10 trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hơn 1.000 giảng viên đào tạo 33 ngành đại học, 38 ngành thạc sĩ, 30 ngành tiến sĩ; 15 chương trình đại học chất lượng cao; 70 trường đại học đối tác nước ngoài; 25 chứng nhận chất lượng quốc tế; 150 xưởng thực tập và 5 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Bài, ảnh: THÁI VIỆT
Hãy là người bình luận đầu tiên