Ngày 17/10, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm khoa học “Han Kang và kỳ tích văn chương xứ sở kim chi”, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả yêu thích văn chương.
Là nhà văn nữ châu Á đầu tiên đạt giải Nobel Văn học, Han Kang trở thành kỳ tích của văn đàn Hàn Quốc, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Những thảo luận trong buổi toạ đàm xoay quanh các tác phẩm của nữ nhà văn dưới các góc độ văn hoá, văn học, ngôn ngữ và dịch thuật.
Trong phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Lê Hoàng Dũng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh mối gắn bó tinh thần sâu sắc giữa các Khoa Hàn Quốc học, Văn học, Đông phương học với thế giới văn chương Han Kang. Qua đó, ông gửi gắm niềm tin rằng, những người yêu văn chương, yêu sự đọc không chỉ bởi nó vun trồng nên tri thức mà còn “nhen nhóm sự sống”, mở rộng sự sống như nữ văn sĩ đã từng khẳng định.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Giảng viên Khoa Văn hoá học đại diện các diễn giả tóm tắt, thuyết minh sơ lược về liên truyện “Người ăn chay” của Han Kang. Các phần truyện thể hiện những giai đoạn khác nhau trong ý niệm giải thoát, thanh tẩy, tái sinh của nhân vật nữ chính; những nhận thức độc đáo về mối quan hệ sự sống - cái chết, thể xác - tâm hồn. Qua bình luận, cô còn nhấn mạnh tính “xuyên loài” - một cách tiếp cận, thể hiện vấn đề riêng biệt trong đời sống tinh thần người châu Á.
Tại tọa đàm, TS. Hồ Khánh Vân - Phó trưởng khoa, Khoa Văn hoá học đóng góp nhiều góc tiếp cận khác nhau cho tác phẩm “Người ăn chay”, “Bản chất của người”; trong đó có các vấn đề về giới. Cô cho rằng, cách giải quyết vấn đề của nữ chính trong liên truyện chính là sự “phản kháng phi bạo lực”. Qua đó gửi gắm nhiều bài học liên hệ đến phụ nữ hiện đại.
Ngoài ra, TS Bùi Phan Anh Thư - Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, ĐH Yeungnam, Hàn Quốc và ThS Hoàng Hải Vân nhấn mạnh vào tương lai đầy hứa hẹn của ngành dịch thuật văn chương tại Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm, nhiều khán giả là nhà thơ, giảng viên và giáo viên trường trung học phổ thông tham gia đặt câu hỏi, mở rộng chủ đề văn học với đa dạng góc tiếp cận.
MINH QUÂN
Hãy là người bình luận đầu tiên