Đó là nhận định của GS.TS Võ Văn Sen - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giảng viên cao cấp Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM trong hội thảo “Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng” do Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng, ngày 12/12.
Theo GS Võ Văn Sen, Lịch sử Đảng là ngành khoa học còn non trẻ so với nhiều chuyên ngành khác của khoa học lịch sử. Tuy nhiên ngành học này lại gánh vác trên vai trọng trách nặng nề về nhiệm vụ chính trị bên cạnh các yêu cầu khoa học. Đổi mới về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu của ngành học này là vấn đề mang tính cấp thiết.
“Phải xác định đúng đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này để có phương pháp nghiên cứu phù hợp vì lâu nay lịch sử Đảng thường bị nhầm lẫn với lịch sử dân tộc từ khi có Đảng. Lịch sử Đảng có phải là một ngành khoa học độc lập, có phương pháp và cách thức tiếp cận riêng hay không? Đối mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại cần phải tiếp cận dưới góc độ nào?” - GS Võ Văn Sen đặt vấn đề.
Thảo luận về chủ đề này, TS Nguyễn Việt Hùng - Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng nghiên cứu lịch sử không chỉ là sự phục dựng chân thật nhất với quá khứ mà còn phải rút ra những kinh nghiệm, bài học nhằm biến lịch sử thành tri thức khoa học, giúp thế hệ hôm nay hiểu đúng quá khứ, hiện tại và dự báo chính xác tương lai. Những yêu cầu này còn nhiều hạn chế trong các công trình nghiên cứu tổng kết về lịch sử Đảng.
“Biểu hiện của hạn chế này là sự mô phỏng rất giống nhau về hình thức, nội dung, phương pháp nghiên cứu. Cách đánh giá, biên soạn lịch sử kiểu lấy trung ương, cấp trên làm mẫu và địa phương lấy đó làm theo. Không phải khống, có những công trình tổng kết lịch sử rất giống nhau, có khác là về địa danh lịch sử, không gian, thời gian lịch sử mà thôi” - TS Nguyễn Việt Hùng nhận định.
Theo TS Nguyễn Đình Thống - Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, lịch sử Đảng cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam là một bộ phận của lịch sử nhân loại. Do đó, phương pháp nghiên cứu của ngành học này không nằm ngoài phương pháp luận sử học và các phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị.
Ông cũng cho rằng có thể có riêng một phương pháp nghiên cứu lịch sử Đảng, “song cần phải chờ đợi có người phát hiện ra và công bố”. Và giống như lịch sử Việt Nam, lịch sử Đảng có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của khoa học lịch sử như phương pháp logic, phân kỳ lịch sử, so sánh, phân tích - phê khảo sử liệu, phương pháp lịch đại - đồng đại…
“Các phương pháp, nguyên tắc, quan điểm chỉ là công cụ. Trách nhiệm của người nghiên cứu là lựa chọn phương pháp, nguyên tắc, quan điểm phù hợp để nhận thức rõ và viết đúng lịch sử” - TS Nguyễn Đình Thống khẳng định.
Hội thảo còn lắng nghe một số tham luận đặc sắc như Mối quan hệ giữa lịch sử quân đội với lịch sử Đảng (PGS.TS Hồ Sơn Đài), Lịch sử Đảng trong hệ thống các ngành khoa học lịch sử (PGS.TS Phan Xuân Biên), Phương pháp luận của khoa học Lịch sử Đảng (TS Đỗ Thị Hạnh)…
Hơn 60 tham luận từ các học viện, trường đại học đào tạo chuyên ngành lịch sử trên cả nước đã gửi về hội thảo, xoay quanh 4 chủ đề chính: Nhận thức về phương pháp luận lịch sử Đảng; Phương pháp nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy lịch sử Đảng; Mối quan hệ giữa khoa học lịch sử Đảng với các ngành khoa học khác và Một số vấn đề thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng. Các tham luận này được Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV tập hợp, phản biện và in thành tuyển tập Một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng do NXB ĐHQG-HCM ấn hành.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên