Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái về định hướng lớn của Chương trình KH&CN cấp quốc gia KC.15/21-30 tại tọa đàm giới thiệu Chương trình “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức sáng 20/1 tại Cần Thơ.
Tọa đàm do ĐHQG-HCM phối hợp Bộ KH&CN và Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đồng tổ chức. Thứ trưởng Trần Hồng Thái, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chủ trì tọa đàm. Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng nhiều đại diện lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị trung ương, trường, viện, doanh nghiệp đã tham dự và đóng góp ý kiến.
Ứng phó biến đổi khí hậu là cấp thiết
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết giai đoạn 2014-2020, ĐHQG-HCM đã phối hợp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Năm 2022, ĐHQG-HCM thành lập Viện Biến đổi Khí hậu trực thuộc Trường ĐH An Giang ĐHQG-HCM.
Cũng trong năm 2022, ĐHQG-HCM và ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) đã triển khai Dự án “Tăng cường giáo dục đại học ngành nông nghiệp tại ĐHQG-HCM” với kinh phí hơn 9 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), giao cho Trường ĐH An Giang trực tiếp phối hợp. Trường ĐH An Giang cũng tham gia Dự án “Hợp tác Úc - Việt về chuỗi giá trị lúa gạo bền vững khu vực ĐBSCL” với tổng kinh phí hơn 4,3 triệu AUD do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Tập đoàn SunRice (Úc) cùng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đồng thời đang phải đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Do đó, việc xây dựng và triển khai các giải pháp trên nền tảng KH&CN với tầm nhìn dài hạn, bền vững nhằm thích ứng với những biến đổi khí hậu mang tính cấp thiết.
Ngày 29/12/2023, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 3289/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”. ĐHQG-HCM được giao đồng chủ nhiệm chương trình quan trọng này.
Phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL
Tại tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo kết quả chính của Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020 và báo cáo khung Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”, mã số KC.15/21-30.
Chương trình KC.15/21-30 nhằm cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động của thượng nguồn sông Mekong, phát triển bề vững. Từ đó, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh sinh thái và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Sau khi Bộ KH&CN hướng dẫn quy trình xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và trình bày một số quy định mới trong quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận. Phiên thảo luận tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức, quản lý, giải pháp liên quan tài chính…
Các đại biểu đã nêu kinh nghiệm và thực tiễn về mô hình liên kết vùng, vấn đề thúc đẩy hợp tác quốc tế từ các dự án vay vốn ODA giải quyết các vấn đề thực tiễn yêu cầu của ĐBSCL, đề xuất các nhiệm vụ nhu cầu cấp thiết của địa phương, cũng như lắng nghe ý kiến từ địa phương, doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái khẳng định ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm cao của Đảng và Nhà nước. Tọa đàm cho thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra để triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, mà Chương trình KC.15/21-30 phải là cầu nối để đưa các mong muốn của địa phương, nhà khoa học vào thực tiễn phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng yêu cầu Chương trình mang định hướng lớn là liên kết vùng để giải quyết các vấn đề cấp thiết của từng địa phương, theo đó cần tìm ra những nét đặc trưng của vùng và của các địa phương tại ĐBSCL. Ông cũng cho rằng các nhiệm vụ trong Chương trình cần hạn chế sự chồng chéo với các chương trình cấp tỉnh, cấp bộ hay những chương trình quốc gia khác, đồng thời cần có tính kế thừa với những kết quả đã có.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên