Trần Anh Duy, sinh viên năm IV Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyển chọn là 1 trong 10 đại biểu tham gia Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2017. Trong chuyến đi này, Anh Duy đã đóng góp đề xuất giải pháp bảo quản và làm tăng tuổi thọ cho bình ắc quy dự trữ điện trên các đảo và Nhà giàn DK1.
Áp dụng bài học vào thực tế
Từ khi còn làm cán bộ Đoàn tại Trường ĐH KHTN, Anh Duy đã tìm hiểu về những khó khăn của người dân và người lính ở quần đảo Trường Sa. Nơi đây vừa những thiếu thốn về cơ sở vật chất vừa khắc nghiệt về thời tiết khí hậu. Đặc biệt, gió mặn và nước biển thường làm các vật dụng, thiết bị điện, điện tử mau bị mài mòn, hư hỏng. Chính vì thế, Duy mong muốn bằng kiến thức đã học của mình, cố gắng tìm tòi, sáng tạo nên một điều gì đó thật gần gũi, thiết thực để chia sẻ bớt những vất vả, gian nan của người dân và người lính đảo.
Anh Duy bắt đầu tìm hiểu về hệ thống năng lượng mặt trời và cách bảo trì các bình ắc quy lưu trữ, vì những bình này tiếp xúc với khí hậu biển sẽ dễ bị ăn mòn và hư hỏng. Duy tâm sự: “Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ tham gia hành trình, mình đọc rất nhiều bài báo, xem rất nhiều phim tài liệu về Trường Sa, về những khó khăn trên đảo, những điều mà các chiến sĩ ở đó đang cần. Có một bài báo cho biết, người dân và người lính đảo ứng dụng năng lượng mặt trời vào đời sống và sản xuất, tuy nhiên chưa thể bảo quản tốt nguồn năng lượng do điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Vì thế, cả thân và lõi bình ắc quy đều rất dễ bị hư. Ý tưởng này của mình ra đời”.
Để làm nên chiếc bình ắc quy hữu ích này, Duy đã sử dụng vật liệu bằng nhựa PPO (polyme tổng hợp), có độ bền cơ học cao, cứng, chống va đập, chịu được nhiệt, chống dầu mỡ, chống thấm, chống nước, tuổi thọ hơn 20 năm. Và lõi bên trong bằng đồng, khi đấu nối sẽ đạt chuẩn IP68, dòng chịu 20 - 30A. Với mô hình này, những chiếc bình ắc quy ở vùng biển, hải đảo sẽ bớt bị hư hỏng, chất lượng, độ bền được nâng cao.
Tuy gặp không ít những khó khăn nhưng với sự nỗ lực, dày công nghiên cứu cùng sự hỗ trợ của ban tổ chức, Duy đã mang đến một mô hình thiết thực, hữu ích cho những chiến sĩ Trường Sa. “Trong quá trình làm việc, mình nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ ban tổ chức cũng như từ một công ty chuyên về năng lượng mặt trời nên ý tưởng nhanh chóng được thực hiện” - Duy chia sẻ.
10 ngày không thể nào quên
Vượt qua hơn 115 ứng viên trên cả nước, trải qua những vòng phỏng vấn trực tiếp, những lần kiểm tra kỹ năng, kiến thức xã hội của ban tổ chức, Anh Duy mới được tuyển chọn làm thành viên của Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2017.
Cuộc hành trình diễn ra trong 10 ngày (26/4 - 6/5/2017) nhưng thực sự ý nghĩa và mang lại nhiều kỷ niệm đẹp với những bạn trẻ. Riêng Anh Duy chuyến đi này sẽ in dấu mãi trong tim: “Được đến với chiến sĩ, nhân dân biển đảo xa xôi nhất, được chứng kiến sức chịu đựng, hy sinh của những người lính, được nghe về những trận chiến đấu kiên cường để gìn giữ từng tấc đất, chủ quyền thiêng liêng của cả dân tộc… Đó là những điều mà bản thân mình không thể nào quên được”.
Theo Anh Duy, đây là dịp để thế hệ trẻ mở rộng kiến thức, tầm nhìn và bồi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước. “Qua hành trình này, mình có thêm nhiều kiến thức, nhiều câu chuyện thú vị để kể cho các bạn sinh viên của khoa nghe về Trường Sa. Từ đó, mình hiểu rõ hơn vai trò của người trẻ chúng ta trong công cuộc giữ gìn bờ cõi, phát triển quê hương đất nước” - Anh Duy tự hào.
MINH THI - MINH HY
Hãy là người bình luận đầu tiên